Nga-Ả Rập Saudi tiếp tục siết nguồn cung dầu giữa lúc xung đột căng thẳng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga và Ả Rập Saudi tiếp tục cắt giảm tự nguyện hơn 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến hết năm nay dù bất ổn địa chính trị ở Trung Đông đang đe dọa gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Nga và Ả Rập Saudi tiếp tục cắt giảm tự nguyện hơn 1 triệu thùng dầu đến hết năm nay. Ảnh: AP
Nga và Ả Rập Saudi tiếp tục cắt giảm tự nguyện hơn 1 triệu thùng dầu đến hết năm nay. Ảnh: AP

Ngày 5/11, hãng thông tấn nhà nước Ả Rập Saudi dẫn thông báo của Bộ Năng lượng nước này cho biết vương quốc dầu mỏ sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng dầu ở mức 1 triệu thùng/ngày đến hết tháng 12/2023.

Theo thông báo trên, việc cắt giảm tự nguyện bổ sung của Riyadh để “củng cố các nỗ lực phòng ngừa của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các các nước đồng minh (OPEC+) nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ."

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng thông báo Moscow tiếp tục duy trì việc giảm nguồn cung dầu mỏ cho đến hết năm nay.

Ông Novak cho biết: “Nga sẽ tiếp tục giảm thêm 300.000 thùng/ngày tự nguyện cung cấp dầu và các sản phẩm dầu của mình cho thị trường toàn cầu, có hiệu lực từ tháng 9 và tháng 10 năm 2023 cho đến cuối tháng 12 năm 2023”.

Động thái mới nhất của Ả Rập Saudi không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, vốn cho rằng nước này sẽ không bơm thêm dầu trong tháng 12/2023 cũng như trong quý 1/2024.

Giới phân tích lý giải rằng việc giá dầu có xu hướng giảm thời gian gần đây và yếu tố mùa vụ khiến nhu cầu dầu giảm.

Giá dầu năm 2023 có lúc tăng vọt lên gần 98 USD/thùng hồi tháng 9, sau đó giảm dần quanh mức hơn 80 USD/thùng trong những phiên gần đây.

Theo các chuyên gia năng lượng, những lo ngại về tăng trưởng của các nền kinh tế và nhu cầu dầu đã ảnh hưởng tới giá dầu dù rằng đang có những lo ngại về xung đột Hamas-Israel có thể khiến thị trường nhiên liệu biến động.

Lần đầu tiên Ả Rập Saudi thông báo tự nguyện giảm sản lượng là vào tháng 7/2023, sau thỏa thuận hạn chế nguồn cung mà (OPEC+ đạt được trong tháng trước đó.

Đến tháng 9/2023, Riyadh tuyên bố sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 12/2023 và xem xét chính sách này hàng tháng. Vấn đề sản lượng sẽ được đánh giá lại trong tháng tới để xem có kéo dài thời gian và số lượng cắt giảm hay sẽ tăng nguồn cung trở lại.

Việc thắt chặt thị trường diễn ra trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu sụt giảm do tăng trưởng kinh tế yếu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Trung Đông nổ ra hôm 7/10 đã làm tăng thêm sự biến động trên thị trường dầu mỏ với lo ngại rằng chiến tranh lan rộng sang khu vực rộng lớn hơn sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu.

Theo giới quan sát, các quyết định liên quan đến sản lượng dầu của năm 2024 nhiều khả năng sẽ không được công bố trước cuộc họp tiếp theo của OPEC+, dự kiến diễn ra ngày 26/11 tới tại Geneva (Thụy Sĩ).

Giá dầu sụt hơn 6% trong tuần

Giá “vàng đen” giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 3/11 khi lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông phần nào được xoa dịu.

Bên cạnh đó, số liệu việc làm của Mỹ gia tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã kết thúc chiến dịch tăng lãi suất tại nền kinh tế tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới.

Cụ thể, giá dầu Brent mất 1,92 USD/thùng, tương ứng 2,3%, xuống 84,89 USD/thùng. Giá dầu WTI sụt 1,95 USD/thùng, tương ứng 2,4%, về mức 80,51 USD/thùng. Cả hai hợp đồng này đều giảm hơn 6% trong tuần qua.

John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho biết: “Thị trường dầu trong phiên ngày thứ Sáu đã giảm bớt nỗi lo về việc nguồn cung nhiên liệu toàn cầu chịu tác động từ xung đột tại Trung Đông”.

Trong khi đó, số liệu chính thức cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm hơn so với dự báo và lạm phát lương cũng hạ nhiệt, chứng tỏ các điều kiện trên thị trường lao động đã dần nới lỏng.

Dữ liệu này củng cố quan điểm rằng Fed không cần phải nâng lãi suất thêm nữa. Tại cuộc họp tuần này, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng duy trì lãi suất tại mức đỉnh 15 năm, qua đó hỗ trợ giá dầu khi khẩu vị rủi ro quay trở lại thị trường.

Trong tuần qua, các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên đang hoạt động xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022, theo báo cáo của cơ quan dịch vụ năng lượng Baker Hughes.