Phát biểu tại cuộc họp nội các chính phủ Nga hôm 20/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow dự đoán tình trạng mất cân băng giữa cung và cầu trên thị trường khí đốt châu Âu khó có thể được cải thiện trong ngắn hạn.
Phó Thủ tướng Novak lưu ý rằng diễn biến trên thị trường năng lượng châu Âu sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết vào mùa đông sắp tới, cũng như nhu cầu về khí đốt tại châu lục này và các thị trường khác.
Theo quan chức cấp cao Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng tại các nước Liên minh châu Âu (EU) đang dẫn đến tình trạng thiếu điện trong ngành công nghiệp. "Nhiều doanh nghiệp thuộc ngành luyện kim tại EU đã phải tạm ngừng hoạt động. Nhà sản xuất kẽm lớn của Bỉ đã cắt giảm 50% sản lượng tại ba nhà máy ở Hà Lan và Pháp", ông Novak cho hay.
Phó Thủ tướng Novak cũng nhấn mạnh, tình trạng bất ổn trên thị trường năng lượng châu Âu khó có khả năng sớm chấm dứt trong bối cảnh giá khí đốt toàn cầu đã tăng 3,5 lần kể từ đầu năm 2021. "Thị trường khí đốt vẫn khá căng thẳng do giá vẫn ở duy trì mức khá cao. Tại châu Âu, giá khí đốt dao động từ 1.000-1.100 USD/1.000m3. Trong khi đó, giá khí đốt tại châu Á hiện giao dịch ở mức 1.200 USD/1.000m3” - ông Novakd cho hay.
Ông Novak nói thêm rằng nhu cầu khí đốt của các nước châu Á - Thái Bình Dương đã tăng mạnh trong năm 2021, đặc biệt là ở Trung Quốc (tăng 17%) và Hàn Quốc (18%). Nhu cầu khí đốt tại châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng 7-8% trong năm nay.
Giá khí đốt tại châu Âu biến động mạnh trong những tháng gần đây và liên tục thiết lập các mức giá kỷ lục, vượt 1.000 USD/1.000 mét khối và tăng lên 2.000 USD/1.000m3.
Các nhà quan sát cho rằng một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến cuộc khủng hoảng khí đốt là sự tăng trưởng bùng nổ của nhu cầu khí đốt tại châu Á. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm năng lượng cũng do tỷ lệ sản xuất điện gió của châu Âu giảm mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của sự biến động mạnh trên thị trường năng lượng là trữ lượng khí đốt của châu Âu trong năm nay giảm kỷ lục so với những năm gần đây.