RT dẫn lời Thượng nghị sĩ Nga Dmitry Rogozin cho biết Mỹ chịu trách nhiệm trực tiếp về cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào thành phần quan trọng trong "chiếc ô" hạt nhân của Nga, đồng thời cảnh báo rằng các cuộc tấn công tương tự như vừa qua có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu.
Trong một tuyên bố trên Telegram hôm 25/5, Rogozin, thượng nghị sĩ trước đây đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos - hiện đang phụ trách một trung tâm kỹ thuật quân sự có tên là Tsar's Wolves, cho biết cuộc tấn công của Ukraine nhắm vào hệ thống cảnh báo sớm hạt nhân ở phía nam Vùng Krasnodar.
Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa bình luận về vấn đề này, trong khi mức độ thiệt hại vẫn chưa rõ ràng.
Thượng nghị sĩ Rogozin cho rằng rất khó có khả năng cuộc tấn công mà truyền thông Ukraine đưa tin có sự tham gia của một số máy bay không người lái, được thực hiện theo sáng kiến riêng của Kiev và không có sự tham gia của Mỹ.
Theo thượng nghị sĩ, Washington luôn tìm cách đạt được ưu thế quân sự trước Moscow kể từ khi "thời đại" hạt nhân xuất hiện, tuy nhiên sự cạnh tranh này chủ yếu chỉ giới hạn ở cuộc đấu trí giữa các nhà khoa học, chiến lược gia và nhà hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ này cho rằng đến nay điều này dường như đã thay đổi khi Mỹ "tham dự" với một bên khác để tấn công hệ thống cảnh báo sớm của Nga, quan chức này cho biết, ám chỉ Ukraine.
Ông Rogozin tuyên bố rằng “việc Washington tham gia sâu vào cuộc xung đột vũ trang và kiểm soát toàn bộ kế hoạch quân sự của Kiev đồng nghĩa với việc phiên bản mà Mỹ không biết về kế hoạch tấn công hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga của Ukraine có thể bị loại bỏ”.
Theo RT, Ukraine vừa qua đã triển khai một cuộc tấn công nhắm vào một trạm radar Voronezh tiên tiến ở thành phố Armavir, đi vào hoạt động từ năm 2013. Hệ thống này có thể phát hiện tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đang bay tới ở cự ly 6.000 km và có thể theo dõi tới 500 mục tiêu. Trong lễ khánh thành hệ thống, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của đất nước ở các hướng phía Nam và Tây Nam.
Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, bác bỏ bài viết của Financial Times hôm 23/5 về một dự thảo mới về kế hoạch điều động quân binh của Nga.
FT tuyên bố, trích dẫn một số nguồn tin nói với hãng tin này, rằng để duy trì động lực trong cuộc xung đột và phát động một cuộc tấn công mùa hè mới, Moscow sẽ cần huy động thêm quân. Theo một nguồn tin được cho là thân cận với Bộ Quốc phòng Nga, “vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, một làn sóng huy động một phần mới sẽ xuất hiện”.
Khẳng định với báo giới hôm 24/5, ông Peskov phủ nhận thông tin này. "Tổng thống [Vladimir Putin] đã nhiều lần nói rằng, theo tình hình hiện tại, quân đội của chúng tôi không cần huy động thêm nữa", ông cho biết.
Tháng trước, Tổng thống Zelensky của Ukraine cũng tuyên bố rằng Nga đang có kế hoạch huy động thêm 300.000 quân sớm nhất là vào ngày 1/6 tới. Ông Peskov cũng từng bác bỏ thông tin này vào thời điểm đó.
Nga tiến hành huy động một phần vào tháng 9/2022, bảy tháng sau cuộc xung đột, với khoảng 300.000 quân binh, chủ yếu từng có kinh nghiệm quân sự trước đây. Sau đó, việc tuyển quân tiếp đó được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
Vào tháng 12, ông Putin khẳng định rằng Nga không có kế hoạch công bố đợt huy động thứ hai, lưu ý rằng vào thời điểm đó, lượng tình nguyện viên đã vượt quá mức kỳ vọng. Đầu tháng 4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hơn 100.000 công dân nước này đã tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự kể từ đầu năm.