Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga đối mặt với lệnh trừng phạt, thị trường chứng khoán thế giới hồi phục

Ngọc Diệp
Chia sẻ Zalo

Tương tự như những cuộc xung đột trong quá khứ, nhiều nhà đầu tư cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine-Nga lần này cũng sẽ chỉ tác động ngắn hạn lên thị trường.

Trụ sở Sàn chứng khoán KRX, Hàn Quốc. Ảnh: KRX
Trụ sở Sàn chứng khoán KRX, Hàn Quốc. Ảnh: KRX

Tiếp đà hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ, giá cổ phiếu ở thị trường châu Á đã tăng trở lại ở thời điểm các nước phương Tây liên tiếp đưa ra những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Theo đó, chỉ số Nikkei225 tại sàn chứng khoán Tokyo đã tăng 1,4% trong phiên giao dịch sáng nay lên 26.343 điểm. Cùng với đó là S&P/APS200 của Úc với mức tăng 0,5% lên 7.022,3, Kospi của Hàn Quốc tăng 1,2% lên 2.681.19. Các chỉ số khác như Hang Seng của Hong Kong vươn lên 22.941.59 điểm, tăng 0,2% và Shanghai Composite lên 3.456.39.

Hiện Nhật Bản đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, bao gồm phong toả tài sản của các tổ chức, ngân hàng và cá nhân Nga, cũng như dừng xuất khẩu chíp bán dẫn cùng các hàng hoá nhạy cảm đối với các tổ chức có liên hệ tới quân đội ở Nga.

Vào đầu tuần, Nhật đã dừng phát hành và phân phối trái phiếu chính phủ Nga ở nước này, qua đó làm giảm cơ hội tăng nguồn tài chính cho Nga, cũng như cấm hoạt động thương mại với hai khu vực đòi ly khai ở Ukraine.

Bất chấp những bất ổn xoay quanh Ukraine, cũng như lo ngại về tình hình lạm phát và biến chủng Omicron, sự phục hồi của Phố Wall dường như đang mang lại tín hiệu tích cực cho các thị trường tài chính châu Á.

“Sự phục hồi đến sau tuyên bố áp đặt các biện pháp trả đũa đối với Nga. Mỹ cũng thực hiện việc kiểm soát xuất khẩu chip bán dẫn và những sản phẩm công nghệ cao, bao gồm phần mềm,” Yeap jun Rong, chuyên gia thị trường tại công ty phân tích IG có trụ sở ở Singapore nhận định.

Bên cạnh những hệ quả về nhân mạng, cuộc xung đột còn dự báo sẽ khiến giá các mặt hàng thiết yếu như dầu, khí đốt và thực phẩm trên thế giới tăng cao.

Nga và Ukraine hiện nằm trong số những nhà sản xuất và cung cấp lớn về năng lượng, cũng như lúa mỳ và thực phẩm.

Giá khí đốt tăng cao cũng sẽ gây tác động tới các nền kinh tế châu Á, vốn vẫn chưa thể hồi phục từ đại dịch Covid-19. Nhật Bản hiện nhập khẩu hầu hết năng lượng cho nhu cầu trong nước, dù không phụ thuộc quá nhiều vào Nga.

Giá dầu mỏ ở hai bờ Đại Tây Dương đã có lúc tăng hơn 100 đô la/thùng, mức cao nhất kể từ 2014. Tuy nhiên, giá dầu sau đó đã giảm khi ông Biden cho biết gói trừng phạt được “thiết kế để cho phép tiếp tục thanh toán chi phí năng lượng”, đồng thời nhấn mạnh ông muốn giới hạn mức độ thiệt hại cho người dân Mỹ.

Sau đó, giá dầu tại Mỹ đã trở về mức 92,81 đô la/thùng, tăng 71 cent. Tại châu Á, gía dầu thô tăng 2,45 đô lên mức 95,26 đô la/thùng, và giá dầu Brent vào khoảng 101,40 đô la, tăng 2,32 đô so với phiên giao dịch trước.

Ở châu Âu, mức tăng giá nhiên liệu cao hơn do các nền kinh tế tại đây có sự gắn kết gần hơn với Nga và Ukraine, trong đó mức giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 50%.

Trên thị trường Phố Wall, chỉ số S&P500 tăng 1,5% sau khi xoá bỏ mức sụt giảm 2,6% trước đó. Chỉ số Nasdaq còn thậm chí tăng mạnh hơn với mức 3%. Sự sụt giảm mạnh nhất được ghi nhận ở châu Âu, khi chỉ số DAX của Đức giảm 4%.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất lần đầu kể từ 2008. Trong quá khứ, FED từng trì hoãn kế hoạch này trước những bất ổn địa chính trị, ví như cuộc chiến tranh Kosovo hay Iraq, theo Goldman Sachs. Nhưng các chuyên gia kinh tế kì vọng FED sẽ vẫn tiếp tục nâng lãi suất trong lần này.

Tuy nhiên, căng thẳng ở Ukraine có thể khiến mức tăng lãi suất của FED lần này không quá cao. “FED có thể lo ngại về tác động với triển vọng kinh tế và do đó trở nên thận trọng hơn,” chuyên gia phân tích Kristina Hooper tại Invesco nói.

 FED hiện đang cố gắng duy trì mức tăng lãi suất nhằm hạn chế lạm phát, nhưng đồng thời không quá cao để giảm nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. “Sự bất ổn đã lên cao với cuộc chiến tại Ukraine, nhưng rõ ràng tác động của nó đến nền kinh tế châu Âu lớn hơn nhiều so với Mỹ,” một chuyên gia tại Evercore ISI nói.

Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng với những gì đã diễn ra trong quá khứ, các cuộc xung đột thường chỉ có tác động ngắn hạn lên thị trường.