Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga dự toán năm mới, không bỏ qua mục tiêu Ukraine

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế Nga đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với dự kiến vào năm 2023, bất chấp nhiều đợt trừng phạt - điều mà nhiều người coi là sự thất bại của chính sách phương Tây.

Theo dự đoán của truyền thông, nền kinh tế Nga trong năm 2024 không chỉ đứng vững trước những hạn chế của phương Tây mà còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn thông qua các quan hệ thương mại mới và tăng cường đầu tư vào sản xuất trong nước.

Kinh tế Nga sẽ tiếp tục đứng vững?

Theo RT, các chuyên gia và chính trị gia quốc tế vừa qua đã đặt nghi vấn về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt, cảnh báo số này có thể gây hại cho nền kinh tế toàn cầu. Họ cho rằng các biện pháp trừng phạt không hiệu quả và lỗi thời.

Nền kinh tế Nga trong năm 2024 không chỉ đứng vững trước những hạn chế của phương Tây mà còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn thông qua các quan hệ thương mại mới và tăng cường đầu tư vào sản xuất trong nước. Ảnh: RT
Nền kinh tế Nga trong năm 2024 không chỉ đứng vững trước những hạn chế của phương Tây mà còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn thông qua các quan hệ thương mại mới và tăng cường đầu tư vào sản xuất trong nước. Ảnh: RT

Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thất bại do hiệu ứng "bẫy nước lớn", trong đó một quốc gia giàu tài nguyên và trải dài 11 múi giờ không thể bị cô lập. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng phương Tây “đang tự bắn vào chân mình” với những lệnh trừng phạt mà họ đưa ra.

Cũng theo RT, kinh tế Nga đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kể trước áp lực bên ngoài trong năm qua, với GDP dự kiến sẽ tăng khoảng 3,5% vào năm 2023.

Nga được dự đoán sẽ vượt trội hơn tất cả các nền kinh tế G7 và EU, cũng như tất cả các quốc gia khác tham gia lệnh trừng phạt, trong về tốc độ tăng trưởng GDP năm nay. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp ước đạt 3,6% và nợ công nước ngoài đã giảm từ 46 tỷ USD xuống còn 32 tỷ USD.

Chính phủ đã cam kết tiếp tục nỗ lực giảm lạm phát, vốn vẫn ở mức cao và dự kiến sẽ đạt 7% trong năm nay. Tiền lương thực ở Nga cũng tiếp tục tăng và thu nhập thực tế ước tính đã tăng 5% trong năm 2023, giữa bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp lịch sử là 2,9%.

Không bỏ qua mục tiêu tài trợ xung đột tại Ukraine

Chính phủ Nga cho biết trọng tâm chính của họ trong ba năm tới sẽ là tài trợ cho quân đội để giúp giành chiến thắng trong cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền không có kế hoạch từ bỏ các cam kết chính sách xã hội của họ.

Theo Bộ Tài chính Nga, khoảng 10-11% ngân sách sẽ được phân bổ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Moscow có kế hoạch dành khoảng 86 tỷ USD cho chi tiêu phúc lợi vào năm 2024 và con số này dự kiến sẽ duy trì ở mức tương tự trong hai năm tiếp theo. Chính phủ cho biết mục tiêu là thực hiện mọi nghĩa vụ đối với người dân và "bôi trơn" các "bánh xe" của nền kinh tế.

Về xu hướng sử dụng tiền tệ toàn cầu, RT đánh giá các quốc gia sẽ hướng tới sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại thay vì đồng USD. Việc này bắt đầu nhen nhóm trong năm nay, sau khi các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine khiến Nga bị loại bỏ khỏi hệ thống tài chính phương Tây và dự trữ ngoại hối của nước này bị đóng băng.

Moscow đã giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la và đồng euro trong ngoại thương và bắt đầu sử dụng đồng tiền quốc gia - đồng rúp, một cách tích cực hơn. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng Rupee của Ấn Độ cũng đã trở thành những nhân tố chính trong thương mại đối ngoại của Nga, vì các hạn chế của phương Tây đã thúc đẩy việc sử dụng chúng, gây thiệt hại cho đồng bạc xanh và đồng euro.

Trong khi đó, cựu cố vấn đặc biệt của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, Joe Sullivan, gần đây đã cảnh báo rằng việc các nước BRICS ngày càng sử dụng đồng tiền quốc gia có thể sẽ đẩy nhanh quá trình phi đô la hóa.