Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga giới thiệu hệ thống thanh toán chung BRICS thay thế SWIFT của phương Tây

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống thanh toán xuyên biên giới mới của BRICS được kỳ vọng sẽ giúp thực hiện các giao dịch thương mại nước ngoài nhanh hơn và rẻ hơn, đồng thời không bị đe dọa bời bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ảnh: RT
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ảnh: RT

Bloomberg đưa tin Nga đang đề xuất thay đổi hình thức thanh toán xuyên biên giới được thực hiện giữa các nước BRICS nhằm “né” hệ thống tài chính của phương Tây trong bối cảnh Moscow đang bị áp hàng loạt lệnh trừng phạt.

Các giải pháp thay thế bao gồm phát triển một mạng lưới các ngân hàng thương mại có thể thực hiện các giao dịch bằng tiền tệ địa phương cũng như thiết lập các liên kết trực tiếp giữa các ngân hàng trung ương, theo báo cáo do Bộ Tài chính Nga, Ngân hàng Trung ương Nga và Công ty tư vấn Yakov & Partners có trụ sở tại Moscow lập.

"Hệ thống đa tiền tệ" sẽ cần phải "bảo vệ những người tham gia khỏi mọi áp lực bên ngoài như lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ", báo cáo cho biết.

Theo báo cáo trên, lợi ích của Mỹ “không phải lúc nào cũng phù hợp với lợi ích của những người tham gia khác" trong mạng lưới tài chính toàn cầu.

Kế hoạch này cũng bao gồm việc thành lập các trung tâm thương mại chung về các mặt hàng như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc và vàng.

Trước đó, trả lời phỏng vấn đài RT hôm 9/10, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, các nước BRICS đang nỗ lực tạo ra hệ thống thanh toán chung  trong bối cảnh các cơ chế thanh toán của phương Tây ngày càng bị chính trị hóa.

Theo Bộ trưởng Siluanov, chiến dịch trừng phạt chưa từng có đối với Moscow do Mỹ dẫn đầu đã buộc Nga và các thành viên BRICS phải tìm kiếm giải pháp mới để trao đổi thương mại bất chấp các lệnh cấm vận.

Ông Siluanov nói thêm rằng hệ thống thanh toán xuyên biên giới mới của BRICS sẽ sử dụng tiền tệ quốc gia và tiền kỹ thuật số. Cơ sở hạ tầng thanh toán chung của BRICS sẽ dựa trên các công nghệ mới, cho phép các giao dịch thương mại nước ngoài nhanh hơn, rẻ hơn và sẽ không bị đe dọa từ bất kỳ lệnh trừng phạt nào từ bên ngoài.

Cũng theo người đứng đầu ngành tài chính Nga, các nước BRICS sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ đồng USD trong các giao dịch chung, đẩy mạnh sử dụng đồng nội tệ và tiến tới là tiền kỹ thuật trong tương lai.

Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có đối với Nga sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Các nước phương Tây đã đóng băng gần 300 tỷ USD tài sản nước ngoài của Nga và loại Moscow khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Để ứng phó, Nga đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Hồi tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, hơn 95% các giao dịch song phương giữa Nga và đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc được thực hiện bằng đồng ruble và nhân dân tệ.

Tuy nhiên, các nước BRICS khác không gặp trở ngại từ các biện pháp trừng phạt vẫn tiếp tục ưu tiên tiếp cận hệ thống tài chính dựa trên đồng bạc xanh.

Theo Viện Brookings, tính đến năm 2022, khoảng 58% các khoản thanh toán quốc tế, không bao gồm các khoản thanh toán trong khu vực Eurozone, liên quan đến đồng bạc xanh, trong khi đồng USD được sử dụng trong 54% hóa đơn thương mại nước ngoài.

Báo cáo được công bố khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị tiếp đón các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS thường niên tại Kazan từ ngày 22-24/10. Nhóm BRICS hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ethiopia và Ai Cập.

Trong số các đề xuất, Nga đã giới thiệu phương án sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (DLT) hoặc một nền tảng đa quốc gia mới để cho phép thanh toán bằng mã thông báo.

Báo cáo cho biết "lợi thế chính của việc sử dụng mô hình thanh toán DLT là loại bỏ rủi ro tín dụng" đi kèm với hệ thống ngân hàng thông thường.

Bên cạnh đó, DLT cũng có thể giảm thời gian xử lý và chi phí vì sẽ không có các thực thể tương ứng và kiểm tra tuân thủ, giúp các nước BRICS tiết kiệm tới 15 tỷ USD mỗi năm nếu 50% các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới sử dụng các giao dịch như vậy.