"Trong điều kiện hiện nay, cần có hành động mạnh mẽ và hiệu quả ở cấp độ quốc tế và khu vực vì lợi ích cải thiện và ổn định hơn nữa tình hình ở Vịnh Ba Tư, vượt qua giai đoạn khủng hoảng kéo dài và thúc đẩy tiểu vùng này trở nên hòa bình, phát triển bền vững", tài liệu viết.
Cũng trong lá thư gửi Đại hội đồng LHQ, Nga nói rằng nước này "sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên quan tâm để thực hiện điều này và các đề xuất mang tính xây dựng khác".
"Nhiệm vụ thực tế trong việc khởi động quá trình tạo ra một hệ thống an ninh ở Vịnh Ba Tư có thể được bắt đầu bằng cách tổ chức các cuộc tham vấn song phương và đa phương giữa các bên quan tâm, bao gồm cả các quốc gia trong khu vực và bên ngoài nó, LHQ, LAS (Liên minh các quốc gia Ả Rập), OIC (Tổ chức Hợp tác Hồi giáo), GCC (Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh)", tài liệu nói thêm.
Hôm 23/7, Bộ Ngoại giao Nga lần đầu tiên trình bày tài liệu về "an ninh tập thể ở Vịnh Ba Tư", dự kiến thành lập một nhóm sáng kiến để chuẩn bị một hội nghị quốc tế về an ninh và hợp tác ở vùng Vịnh, tạo tiền đề cho việc thành lập một tổ chức về an ninh và hợp tác ở khu vực này.
Động thái mang nhiều ý nghĩa, khi diễn ra giữa bối cảnh một loạt các vụ tấn công và bắt giữ tàu thương mại của các bên xảy ra hơn một tháng qua tại eo biển Hormuz - tuyến vận tải đường thủy huyết mạch nắm giữ 1/3 dòng chảy dầu mỏ của thế giới. Nguy cơ xung đột tiếp diễn đang khiến nhiều quốc gia có ý định điều lực lượng hải quân tới đây, dự báo gây nên tình trạng hỗn loạn và tạo cơ hội cho những va chạm không mong muốn.
Với đề xuất của mình, Moscow cũng đưa ra sáng kiến thành lập các khu phi quân sự trong khu vực và thiết lập đường dây nóng quân sự, trong khi loại bỏ việc triển khai các lực lượng thường trực của những quốc gia ngoài khu vực.