Nga: Huyền thoại “siêu vũ khí” của phương Tây bị xóa tan trên chiến trường Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, những thứ được coi là "siêu vũ khí" của phương Tây cũng không thể làm thay đổi cục diện xung đột ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Tass
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Tass

Theo hãng tin RT, phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế ở Moscow hôm 16/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã xóa tan những đồn đoán về "siêu vũ khí" của phương Tây.

Ông Shoigu nhấn mạnh, các loại vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Kiev đến nay không có nhiều tác động đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh: “Ban đầu, đó là việc cung cấp hệ thống chống tăng Javelin và một số máy bay không người lái hiện đại. Gần đây hơn, hệ thống pháo phản lực bắn loạt HIMARS và các lựu pháo tầm xa được phương Tây đề cao vai trò là siêu vũ khí. Tuy nhiên, tất cả vũ khí này đang bị phá hủy trong trận chiến”.

Theo Bộ trưởng Shoigu, lực lượng Nga đang “kiểm tra cẩn thận” những hệ thống thu giữ được của phương Tây trên chiến trường Ukraine, đồng thời đang “xem xét những tính năng và chất lượng cụ thể” của những vũ khí này khi lập kế hoạch tác chiến.

Tuyên bố trên được Bộ trưởng Shoigu đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Loyd Austin tuần trước thông báo rằng các loại vũ khí mà Washington gửi sang cho Kiev đã chứng tỏ hiệu quả trên chiến trường, đồng thời cam kết sẽ viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine.

Kể từ khi nổ ra xung đột quân sự Nga-Ukraine hồi tháng 2, Mỹ đã phê duyệt các gói viện trợ kinh tế và quân sự trị giá tổng cộng hơn 54 tỷ USD cho Kiev. Trong khi đó, Anh cũng cam kết viện trợ quân sự gần 3 tỷ USD, và Liên minh châu Âu (EU) đã chi 2,5 tỷ USD hỗ trợ vũ khí cho Kiev.

Một loạt thiết bị quân sự từ súng trường, lựu đạn đến tên lửa chống tăng và hệ thống pháo phản lực bắn loạt đã rời các kho vũ khí phương Tây đến Ukraine, hầu hết đi vào nước này thông qua Ba Lan.

Phía Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc gửi vũ khí cho Ukraine, nói rằng điều này chỉ làm kéo dài cuộc xung đột và làm tăng con số thương vong.

Cùng ngày, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cảnh báo hành vi của Washington trên trường thế giới có nguy cơ gây ra xung đột trực tiếp giữa 2 cường quốc hạt nhân.

“Mỹ giờ đây có những hành động không quan tâm đến an ninh và lợi ích của các quốc gia khác, làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân. Việc Mỹ can thiệp sâu vào cuộc xung đột Nga-Ukraine đang gây ra những nguy cơ leo thang xung đột khó lường, thậm chí là đụng độ quân sự trực tiếp giữa 2 cường quốc hạt nhân” - Đại sứ quán Nga tại Mỹ cảnh báo hôm 16/8.