Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga, IEA cùng cảnh báo nóng về cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo nguy cơ châu Âu thiếu khí đốt trong năm 2023, trong khi quan chức Nga nói rằng mùa đông sắp tới sẽ là một thử nghiệm thực sự đối với người dân EU.

Châu Âu đối mặt tình trạng khan hiếm khí đốt

Theo Businessinsider, IEA hôm 3/11 cảnh báo châu Âu cần hành động ngay lập tức nhằm ngăn chặn nguy cơ thiếu khí đốt tự nhiên trong năm tới khi Nga cắt giảm hoàn toàn nguồn cung do xung đột với Ukraine.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol phát biểu tại một Diễn đàn năng lượng Sydney tại Sydney, Australia ngày 12/7/2022. Ảnh: Reuters
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol phát biểu tại một Diễn đàn năng lượng Sydney tại Sydney, Australia ngày 12/7/2022. Ảnh: Reuters

IEA cho rằng châu Âu có thể thiếu 30 tỷ m3 khí đốt cần cho nền kinh tế và để làm đầy các kho dự trữ trong mùa Hè năm tới, làm ảnh hưởng đến sự chuẩn bị cho mùa Đông 2023-2024.

“Dựa vào các báo cáo mới nhất về thị trường khí đốt toàn cầu và tại châu Âu, chúng tôi đánh giá rằng châu Âu có thể đối mặt với tình trạng khan hiếm khí đốt nghiêm trọng hơn vào mùa Đông năm tới” - Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cảnh báo.

Nga đã giảm mạnh nguồn cung khí đốt cho châu Âu, sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này liên quan đến xung đột tại Ukraine, nhưng khu vực này có thể lấp đầy các khu dự trữ trong mùa Đông tới.

Tuy nhiên, IEA nhận định tình trạng thiếu hụt trong mùa Đông năm 2023 có thể xảy ra nếu Nga giảm hơn 50% nguồn cung khí đốt hiện tại, thậm chí sẽ dừng cung cấp hoàn toàn.

Trong khi đó, việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt sau khi nới lỏng chính sách zero-Covid sẽ khiến nguồn cung khí đốt trên thị trường toàn cầu thắt chặt hơn.

“Mùa Đông tới là phép thử thực sự đối với EU”

Theo hãng tin Tass, trong bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 3/11, cựu đặc phái viên thường trực của Nga tại EU, ông Vladimir Chizhov, nói rằng mùa đông sắp tới sẽ là một thử nghiệm thực sự đối với người dân EU.

Cựu đặc phái viên thường trực của Nga tại EU, ông Vladimir Chizhov. Ảnh: Tass
Cựu đặc phái viên thường trực của Nga tại EU, ông Vladimir Chizhov. Ảnh: Tass

“Hiện còn quá sớm nếu nói rằng EU sẽ đối mặt với tình trạng vô vọng. EU là một khối bền vững, điều này được khẳng định bởi thực tế là số lượng các nước mong muốn tham gia vào liên minh lớn hơn nhiều so với những nước quốc gia muốn rời bỏ” - cựu quan chức ngoại giao Nga nói.

Ông Chizhov lưu ý thêm rằng EU có thể tiếp tục đối mặt với khủng hoảng năng lượng trong những tháng sắp tới. “Chúng ta sẽ xem cuộc khủng hoảng khí đốt hiện tại xảy ra trong bao lâu. Mùa đông sắp bắt đầu và đây  sẽ là một phép thử nghiêm túc đối với người dân EU”.

Theo ông Chizhov, tình hình hiện tại ở EU giống như “một cơn bão”. “Cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra phần lớn là do các lãnh đạo EU mắc phải một loạt sai sót mang tính hệ thống. Bên cạnh đó, liên minh còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính do sự biến động của đồng euro. Cuộc khủng hoảng này do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm cả yếu tố thời tiết khi mùa hè nóng kỷ lục và hạn hán ở phần lớn các nước Tây Âu. Đặc biệt, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng hậu cần cũng làm cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn” - cựu đặc phái viên thường trực của Nga tại EU cho hay.

Theo ông Chizhov, nhiều vấn đề của EU là do các quyết định của lãnh đạo liên minh này xa rời với lợi ích thực tế của người dân và trong một số trường hợp còn đi ngược lại lợi ích của một số quốc gia thành viên.

Thượng nghị sĩ Nga khẳng định, chiến lược của EU nhằm giảm dần quy mô mua nhiên liệu Nga được thúc đẩy bởi các lý do chính trị. Theo ông Chizhov, EU chưa bao giờ nghĩ rằng sự thịnh vượng và phát triển kinh tế của khối phụ thuộc vào sự hợp tác thành công với Nga.

Quan chức Nga cũng nhấn mạnh rằng mặc dù quan hệ giữa Moscow và Brussels căng thẳng, nhưng EU hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, khi xuất khẩu của Moscow sang EU “đang tăng nhanh”. “Cơ cấu hàng xuất khẩu của chúng tôi hầu như không thay đổi, ngoại trừ các sản phẩm nằm trong lệnh trừng phạt. Cho đến nay, các nguồn năng lượng vẫn đứng đầu danh sách xuất khẩu” - ông Chizhov cho biết.