Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

 Nga, Iran và Venezuela sẽ chi phối giá dầu trong năm 2024?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia năng lượng nhận định thị trường dầu thế giới trong năm tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+, đặc biệt là Nga, Iran và Venezuela.

Giới đầu tư dầu mỏ chuẩn bị bước vào năm 2024 với lo ngại về tình trạng dư cung, kinh tế thế giới giảm tốc và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông có thể gây ra biến động giá.

Giá dầu Brent dự kiến đạt trung bình khoảng 80 USD/thùng trong năm nay, sau khi từng ghi nhận mức cao kỷ lục lên hơn 100 USD/thùng vào năm ngoái do nguồn cung của Nga bị gián đoạn.

Giá dầu giảm mạnh trong những tháng gần đây một phần do sản lượng của các quốc gia không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng cao dù nhu cầu đạt mức cao nhất lịch sự với hơn 100 triệu thùng/ngày.

Khoảng 30 nhà kinh tế và chuyên gia được hãng tin Reuters khảo sát đã dự đoán giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 84,43 USD/thùng vào năm 2024. Dự đoán trên được đưa ra bất chấp dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng trưởng khả quan, từ mức 1 triệu thùng/ngày của Cơ quan Năng lượng Quốc tế đến 2,25 triệu thùng/ngày của OPEC.

Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát cũng chỉ ra những yếu tố cơ bản sẽ chi phối thị trường “vàng đen” thế giới trong năm 2024 bao gồm:

Việc tuân thủ cắt giảm sản lượng của OPEC+

Các nhà đầu tư năng lượng đặc biệt quan tâm đến số liệu nguồn cung quý I/2024 để đánh giá xem liệu OPEC và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+), có tuân thủ kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày hay không.

Tập đoàn ngân hàng ANZ nhận định, nếu nhóm OPEC+ thực hiện đúng thỏa thuận giảm nguồn cung tự nguyện, điều này có thể khiến thị trường nhiên liệu thiếu hụt khoảng 500.000 thùng/ngày.

Trong khi đó, chuyên gia Ann-Louise Hittle từ Woodmac lưu ý: "Quý đầu tiên của năm 2024 sẽ rất quan trọng, vì chúng tôi có thể đánh giá việc tuân thủ cắt giảm nguồn cung tự nguyện của OPEC+". Theo chuyên gia Ann-Louise Hittle, dựa trên dự báo nhu cầu hiện nay của Woodmac, liên minh OPEC+ sẽ không cần gia hạn quyết định cắt giảm tự nguyện trong quý 1/2024.

Còn Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects kỳ vọng, Ả Rập Saudi sẽ giảm dần mức cắt giảm tự nguyện trong quý II/2024 sau khi để ngỏ khả năng dần khôi phục nguồn cung. Tuy nhiên, vương quốc dầu mỏ cũng có thể tiếp tục gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng nếu cần thiết.

Nga, Iran và Venezuela sẽ chi phối giá “vàng đen” toàn cầu?

Dòng chảy nhiên liệu của Venezuela đã trở lại thị trường thế giới sau khi Mỹ đình chỉ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với thành viên OPEC này trong 6 tháng, cho đến tháng 4/2024.

 Giới chuyên gia nhận định nguồn cung từ Nga, Iran và Venezuela sẽ tác động đến thị trường  dầu thế giới trong năm 2024. Ảnh: Bloomberg
 Giới chuyên gia nhận định nguồn cung từ Nga, Iran và Venezuela sẽ tác động đến thị trường  dầu thế giới trong năm 2024. Ảnh: Bloomberg

Các chuyên gia của ngân hàng JP Morgan cho biết, quyết định đình chỉ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela có thể sẽ kéo dài thêm 6 tháng nữa, nếu chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro tuân thủ lộ trình bầu cử Tổng thống năm 2024 đã được thống nhất với phe đối lập. "Cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm 2024 ở cả hai nước sẽ quyết định số phận của các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt chống Caracas cũng như hoạt động sản xuất dầu mỏ của Venezuela" - JP Morgan nhận định.

Theo ước tính của JP Morgan, nếu được Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với công ty dầu khí quốc gia PDVSA, Venezuela có thể tăng sản lượng dầu từ 760.000 thùng/ngày trong năm 2023 lên 880.000 thùng/ngày vào năm 2024 và 963.000 thùng/ngày vào năm 2025.

Bên cạnh đó, giới phân tích kỳ vọng dòng dầu mỏ của Nga và Iran sẽ tiếp tục được bơm mạnh ra thị trường toàn cầu bất chấp các lệnh trừng phạt. Điều này được dự báo sẽ giúp giá dầu giảm trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024. Trong khi đó, Iran đã đặt mục tiêu nâng sản lượng dầu thô lên 3,6 triệu thùng/ngày vào tháng 3/2024, cao hơn mức 3,4 triệu thùng/ngày như hiện nay.

Các nhà máy lọc dầu mới

Vấn đề hạn chế nguồn cung các sản phẩm thu được từ việc lọc dầu, đặc biệt là sản phẩm diesel, sẽ được cải thiện nhờ công suất hơn 1 triệu thùng/ngày của các nhà máy lọc dầu mới được đưa vào sử dụng tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Trung Đông và Nigeria trong năm 2024.

Các nhà máy lọc dầu mới đưa vào hoạt động bao gồm dự án Yulong Petrochemical (Trung Quốc), dự án mở rộng các nhà máy lọc dầu Panipat và Koyali (Ấn Độ), dự án Dangote ((Nigeria) và dự án Dos Bocas (Mexico).