Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói rằng, ở hậu trường, giới chức Ukraine đang thảo luận về "kịch bản bán đảo Triều Tiên". Kịch bản này tức là Ukraine nhỏ hơn được các nước phương Tây ủng hộ có thể phát triển ở mức độ như Hàn Quốc trong khi vẫn tuyên bố chủ quyền với "các vùng lãnh thổ bị kiểm soát".
Theo ông Medvedev, suy đoán về "kịch bản Triều Tiên" của Ukraine là “mong muốn hão huyền”. "Những suy đoán của Ukraine về 'kịch bản Triều Tiên' chỉ là mong ước sẽ được phương Tây bảo vệ và chi phối" - Tass dẫn tuyên bố của ông Medvedev viết trên Telegram hôm 7/2. "Thông điệp này chỉ nhằm hướng tới dư luận ở Ukraine".
Cuộc chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 - 1953 kết thúc với một hiệp định đình chiến. Theo hiệp định này, vĩ tuyến 38 được ấn định là giới tuyến phân chia giữa Hàn Quốc và Triều Tiên với một khu phi quân sự (DMZ) được thiết lập ở biên giới hai bên.
Theo ông Medvedev, những suy đoán trên của Ukraine là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Kiev nhận ra "sẽ không thể đạt được chiến thắng" và "chia cắt đất nước là kịch bản tốt nhất". Ông nhấn mạnh: "Về bản chất, đây là bước đầu tiên để chấp nhận thực tế”.
Tuyên bố trên được ông Medvedev đưa ra sau khi cựu trợ lý văn phòng Tổng thống Ukraine Aleksey Arestovich nêu kịch bản "đình chiến kiểu Triều Tiên" tại cuộc họp của hội đồng chuyên gia ngày 6/2. Ông Arestovich thừa nhận Ukraine không đủ nhân lực để sớm đánh bại Nga trên chiến trường và mô hình Triều Tiên có thể trở thành giải pháp chấp nhận được đối với các bên.
Theo ông Arestovich, Nga đang tìm kiếm kết quả như vậy, đồng thời lưu ý các nước phương Tây "cũng có suy nghĩ tương tự".
Tháng trước, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, ông Oleksiy Danilov nói rằng Nga "đang đưa ra mô hình Triều Tiên, chia cắt lãnh thổ Ukraine làm hai phần".
Trong khi đó, Điện Kremlin đã bác bỏ tuyên bố của phía Ukraine, xem đây là "trò lừa bịp" của Kiev. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng bác bỏ tuyên bố của ông Danilov rằng Moscow đang cân nhắc “mô hình Triều Tiên, chia cắt lãnh thổ Ukraine làm hai phần".
Xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ hai khi các cuộc hòa đàm tiếp tục bế tắc. Phía Moscow cho rằng, Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang can thiệp ngày càng sâu vào cuộc xung đột với việc liên tục cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine.
Tuy nhiên, phương Tây nhiều lần bác những chỉ trích này của Moscow, nhấn mạnh những vũ khí cung cấp cho Ukraine chỉ nhằm mục đích giúp Ukraine phòng vệ, không gây ra mối đe dọa tấn công vào Nga.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Nga ngày 7/2 cảnh báo xung đột tại Ukraine có thể được đẩy lên tới ngưỡng leo thang "chưa từng có tiền lệ". Ông cáo buộc phương Tây đang tham gia vào cuộc xung đột gián tiếp với Nga thông qua viện trợ vũ khí cho Ukraine.