Nga lên tiếng về loạt vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm tại Lebanon

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cho biết, các vụ tấn công bằng công nghệ cao được lên kế hoạch cẩn thận tại Lebanon trong ngày 17 và 18/9 khiến hàng chục người thiệt mạng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới.

Theo hãng tin Tass, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin ngày 18/9 nói rằng các cơ quan quốc tế cần tiến hành điều tra kỹ lưỡng  các vụ nổ của nhiều thiết bị khác nhau ở Lebanon, đồng thời phải có các biện pháp chống lại những tội ác như vậy.

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Tass
Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Tass

"Một loạt các vụ nổ của hàng ngàn máy nhắn tin, máy bộ đàm và các thiết bị khác tại Lebanon đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương. Các vụ nổ này cần phải được điều tra một cách cẩn thận" - Tass dẫn tuyên bố được ông Volodin viết trên trang Telegram hôm 18/9.

Ông Volodin nói thêm rằng cuộc tấn công công nghệ cao được lên kế hoạch cẩn thận này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới.

Theo Chủ tịch Hạ viện Nga, khả năng sản xuất hàng loạt "những 'vũ khí' công nghệ cao như vậy đã đưa chủ nghĩa khủng bố lên một tầm cao mới".

"Đây là mối đe dọa toàn cầu đối với tất cả các quốc gia. Các cơ quan quốc tế phải có các biện pháp chống lại những tội ác như vậy. Nếu không, sẽ không ai cảm thấy an toàn" – ông Volodin nhấn mạnh.

Cùng ngày, một quan chức của Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin khiến nhiều người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương ở Lebanon hôm thứ Ba là hành động "khủng bố tàn bạo".

“Đây là một hành động khủng bố tàn bạo, tàn bạo về sự hoài nghi và quy mô, xét đến số lượng lớn nạn nhân" – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 18/9.

Trước đó, tuyên bố của bộ này cho biết, Moscow coi vụ nổ hàng loạt là "hành động chiến tranh hỗn hợp mới nhất chống lại Lebanon", đồng thời nói thêm rằng "những kẻ chủ mưu của vụ tấn công công nghệ cao này đang tìm cách châm ngòi cho cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn tại Trung Đông".

Bộ Ngoại giao Nga không đổ lỗi cho bất kỳ bên nào, nhưng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ việc.

Cũng trong ngày 18/9, Điện Kremlin đã bày tỏ lo ngại về hậu quả của các vụ nổ tại Lebanon đối với khu vực Trung Đông. “Cuộc xung đột giữa Hamas và Israel hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chắc chắn, vụ việc nghiêm trọng vừa diễn ra tại Lebanon có thể khiến tình hình căng thẳng tại Trung Đông mất kiểm soát” - người phát ngôn Dmitry Peskov nói với hãng tin RT hôm 18/9.

Theo các cơ quan y tế của Lebanon, hàng ngàn máy nhắn tin của nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon đồng loạt phát nổ hôm 17/9 khiến 12 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương.

Đến ngày 18/9, khoảng 20 người khác đã thiệt mạng và 450 người khác bị thương sau khi hàng ngàn thiết bị điện tử khác, bao gồm máy bộ đàm, máy tính xách tay và radio, phát nổ.

Dù  Israel từ chối bình luận về các vụ nổ hàng ngàn máy nhắn tin và máy bộ đàm của Hezbollah trên khắp Lebanon trong 2 ngày 17 – 18/9, nhưng chính quyền Beirut và Hezbollah quy trách nhiệm cho họ. Nhiều hãng thông tấn quốc tế cũng trích dẫn các nguồn tin an ninh quả quyết Cơ quan tình báo Mossad và quân đội Israel đứng sau sự cố.

Hàng ngàn máy nhắn tin của nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon đồng loạt phát nổ hôm 17/9 khiến 12 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương. Ảnh: Tass
Hàng ngàn máy nhắn tin của nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon đồng loạt phát nổ hôm 17/9 khiến 12 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương. Ảnh: Tass

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati ngày 19/9 cho biết, nước này đang trong tình trạng chiến tranh sau khi các thiết bị điện tử phát nổ trên khắp đất nước trong hai ngày liên tiếp, khiến hơn 30 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương.

"Tội ác hàng loạt này... chống lại những người không có khả năng tự vệ trong nhà của họ, những người đang bị giết theo cách này, là không thể diễn tả được" - Thủ tướng Mikati nói với các nhà báo.

Ông nhấn mạnh rằng Lebanon đang trong tình trạng chiến tranh với Israel. Nhà lãnh đạo Lebanon cho biết: "Cuộc chiến này bắt đầu cách đây khoảng 11 tháng và đang ảnh hưởng đến người dân của chúng tôi ở phía nam đất nước, nơi nhà cửa của họ đang bị phá hủy".

Thủ tướng Mikati đang ám chỉ đến các cuộc đấu súng thường xuyên giữa Hezbollah và quân đội Israel ở biên giới, cũng như các cuộc không kích của nhà nước Do Thái vào lãnh thổ Lebanon kể từ khi bùng phát xung đột Hamas-Israel vào ngày 7/10/2023.

Mặc dù chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không lên tiếng về vụ việc, song Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant hôm 18/9 cho biết, nước này đang bước vào một giai đoạn mới, chuyển trọng tâm các chiến dịch quân sự về phía Bắc - tức nhằm vào lực lượng Hezbollah:

“Tôi tin rằng chúng ta đang mở ra một giai đoạn mới của cuộc chiến và chúng ta phải thích nghi. Bởi cuộc chiến này đòi hỏi lòng dũng cảm, quyết tâm và sự kiên trì lớn lao. Trọng tâm đang dịch chuyển về phía Bắc, nghĩa là chúng ta đang di chuyển tài nguyên, lực lượng về phía Bắc, nhưng sẽ không quên mục tiêu của mình ở phía Nam. Mục tiêu ở phía Bắc rõ ràng và đơn giản, đưa người dân ở phía Bắc đã phải di tản trở về nhà an toàn".