Nga lên tiếng về nguyên nhân sụp đổ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận sau ngày 18/5 trừ khi phương Tây đồng ý dỡ bỏ một loạt hạn chế.

Nga hôm 19/4, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine không tuân theo thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen khi yêu cầu các chủ tàu hối lộ để có thể đăng ký tàu mới, và thực hiện các cuộc thanh tra dưới vỏ bọc của một thỏa thuận mà Liên Hợp Quốc hy vọng có thể xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Quang cảnh ở bến cảng Constanta, Romania, vào ngày 11/5/2022. Ảnh: Reuters
Quang cảnh ở bến cảng Constanta, Romania, vào ngày 11/5/2022. Ảnh: Reuters

Trước đó Ukraine đổ lỗi cho Moscow về các vấn đề với thỏa thuận. Cả Nga và Ukraine đều cho rằng thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi tháng 7 có nguy cơ sụp đổ, trong bối cảnh một loạt quốc gia EU bao gồm Ba Lan, Hungary và Slovakia áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng sẽ không gia hạn thỏa thuận này sau ngày 18/5, trừ khi phương Tây đồng ý dỡ bỏ một loạt hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm mà Moscow cho là đang cản trở xuất khẩu nông sản của nước này. 

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Các vấn đề xảy ra là kết quả hành động của các đại diện Ukraine, cũng như các đại diện của Liên Hợp quốc”.

Bà Zakharova cáo buộc Ukraine “cố gắng khai thác 'sáng kiến ​​Biển Đen' càng nhiều càng tốt, không kiềm chế việc lạm dụng các quy tắc thủ tục hoặc đòi hối lộ từ các chủ tàu. Tất cả chỉ vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận thương mại.”

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, các chủ tàu từ chối hối lộ cho người Ukraine đã bị buộc phải đợi hơn một tháng để được đăng ký.

Phía Nga cũng cho biết các đề xuất của Moscow để bổ sung tàu chở ngũ cốc đến các nước châu Phi có nhu cầu đã bị các đại diện của Ukraine phản đối, khiến 27 tàu chở 1,2 triệu tấn hàng hóa bị ngưng trệ. 

Nga và Ukraine là hai nhà sản xuất nông nghiệp đứng đầu trên toàn cầu thị trường toàn cầu về lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Nga cũng chiếm ưu thế trên thị trường phân bón.

Các cường quốc phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt triển khai vào Ukraine ngày 24/2/2022. 

Xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không thuộc diện hàng hóa bị trừng phạt. Tuy nhiên Moscow cho biết các hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm là rào cản đối với các lô hàng mà họ muốn được dỡ bỏ.