Mục đích của hiệp ước như thế nên nó được coi là bộ phận rất quan trọng và không thể thiếu trong quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga. Đầu tháng 2 năm tới, hiệp định này sẽ hết hiệu lực và nếu nó không được Mỹ và Nga gia hạn hiệu lực thì quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân kia sẽ chấm dứt trên thực tế bởi sau khi phía Mỹ đơn phương chấm dứt tất cả những thỏa thuận khác với phía Nga về giải trừ vũ khí hạt nhân, hiệp ước New START hiện là thỏa thuận duy nhất còn có hiệu lực.
Mỹ và Nga sẽ đàm phán với nhau thế thôi chứ thật ra số phận của văn kiện này đã được phía Mỹ định đoạt và một mình Nga dẫu có muốn cũng không cứu vãn nổi.
Cho nên, điều đáng kể đến hơn ở đây lại là việc Mỹ và Nga cùng mời Trung Quốc tham gia đàm phán. Trước đấy, Trung Quốc đã bác bỏ mọi khả năng chủ động tham gia hay bị lôi kéo vào tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Nhưng cũng trước đấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi biện luận cho quyết định rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) hay Hiệp ước về Bầu trời mở - và cả tới đây nữa cho việc phía Mỹ không gia hạn hiệu lực của Hiệp ước New START cũng sẽ như vậy - với cáo buộc Nga không tuân thủ nghiêm chỉnh và đầy đủ những gì đã cam kết và với đòi hỏi phía Trung Quốc từ nay cũng phải tham gia vào tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Có thể thấy phía Mỹ không còn coi chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân là chuyện song phương nữa giữa Mỹ và Nga mà chủ ý xóa sổ mọi thỏa thuận liên quan đã đạt được để chơi cuộc chơi mới không chỉ với Nga mà còn với cả Trung Quốc.
Những số liệu ước tính trên thế giới cho thấy Trung Quốc hiện có khoảng 300 đầu đạn hạt nhân. Số lượng này nhỏ hơn rất nhiều kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hay Nga, nhưng rõ ràng đủ lớn đối với phía Mỹ để phía Mỹ từ nay không còn bỏ qua nữa.
Ngoài ra còn một vài lý do khác nữa, chẳng hạn như Mỹ và Trung Quốc hiện trong cuộc cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện chứ không chỉ có trên một vài phương diện như giữa Mỹ và Nga. Thế giới ngày nay cũng đã khác biệt cơ bản so với thời chiến tranh lạnh khi trước. Về lâu về dài, chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới chắc chắn sẽ liên quan đến tất cả các nước có vũ khí hạt nhân chứ không còn là chuyện riêng giữa Mỹ và Nga.
Nga cũng ý thức được thực trạng hiện tại và triển vọng ấy nhưng vì có mối quan hệ hợp tác rất gắn kết và tin cậy với Trung Quốc nên không thôi thúc hay đưa ra yêu cầu đòi hỏi Trung Quốc tham gia tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Nga đồng ý với Mỹ về mời Trung Quốc tham gia đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng thừa biết rằng Trung Quốc sẽ không nhận lời mời.
Trung Quốc không nhận lời mời, vì đứng ngoài cuộc mới có lợi nhất cho Trung Quốc và vì biết rằng một mình Mỹ không có đủ thế và lực để buộc Trung Quốc phải tham gia, nhất là khi hai cái gọi là cường quốc hạt nhân còn lại là Anh và Pháp vẫn đứng ngoài tiến trình này. Dù vậy, lời mời kia vẫn rất khiếm nhã đối với Trung Quốc vì nó khiến Trung Quốc không tránh khỏi ngày càng thêm khó xử về chính trị trên thế giới và tạo ra cho Mỹ thêm con chủ bài mới trong xử lý quan hệ với Trung Quốc.
Mỹ đưa ra những điều kiện mà cả Nga và Trung Quốc không muốn và không thể đáp ứng nên đàm phán tới đây sẽ không đưa lại được kết quả gì.
Mục đích của Mỹ là chấm dứt tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ và dựa trên những thoả thuận đã đạt được cho đến nay giữa Mỹ và Nga hoặc sẽ có một tiến trình mới với sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc, vừa gia tăng được áp lực đối với Trung Quốc lại vừa phân hoá Trung Quốc với Nga. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên phức tạp và trắc trở hơn trong khi mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc gặp phải thách thức mới.