Nga nêu điều kiện để khôi phục việc tham gia Hiệp ước New START

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga tuyên bố có thể đảo ngược quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) nếu Mỹ thực hiện các bước giảm leo thang căng thẳng.

Ông Mikhail Ulyanov - Đại diện Thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna (Áo). Ảnh: Tass
Ông Mikhail Ulyanov - Đại diện Thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna (Áo). Ảnh: Tass

Theo hãng tin Tass, ông Mikhail Ulyanov - Đại diện Thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna (Áo) cho hay Moscow có thể xem xét lại quyết định đình chỉ Hiệp ước New START trong trường hợp Washington có những hành động thiện chí.

Ông Ulyanov lưu ý rằng việc đình chỉ Hiệp ước New START của Nga vẫn có thể đảo ngược được nếu Mỹ thể hiện ý chí chính trị và nỗ lực vì mục tiêu giảm leo thang chung và tạo điều kiện cho việc thực hiện hiệp ước hạt nhân quan trọng này.

Cùng ngày, trả lời báo giới về khả năng Nga sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân với Mỹ trong hoàn cảnh nào, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào lập trường của phương Tây. Nga sẽ thay đổi quyết định khi các nước phương Tây sẵn sàng quan tâm đến những lo ngại về an ninh của Moscow”.

Trước đó cùng ngày, Quốc hội Nga đã thông qua dự luật đình chỉ Hiệp ước New START, song Moscow vẫn khẳng định sẽ tuân thủ các giới hạn đã thỏa thuận về hạt nhân.

Theo hãng tin Tass, Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện) hôm 22/2 đã nhất trí thông qua dự luật đình chỉ Hiệp ước New START.

Tòa nhà Hội đồng Liên bang Nga. Ảnh: Tass
Tòa nhà Hội đồng Liên bang Nga. Ảnh: Tass

Dự luật được Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình lên Duma quốc gia (Hạ viện) và được cơ quan này thông qua cùng ngày. Động thái diễn ra sau khi ông Putin thông báo sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước New START trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang vào ngày 21/2, song nhấn mạnh không chấm dứt hoàn toàn việc tham gia thỏa thuận.

Như vậy, hiệu lực của Hiệp ước New START tạm thời bị đình chỉ và quyết định khôi phục Hiệp ước sẽ do Tổng thống Nga đưa ra. Dự luật trên sẽ có hiệu lực ngay tại thời điểm được công bố chính thức.

Dù quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước, các quan chức cấp cao Nga khẳng định Moscow sẽ vẫn tuân thủ các giới hạn đã thỏa thuận về tên lửa hạt nhân và tiếp tục thông báo cho phía Mỹ về những thay đổi trong việc triển khai hạt nhân của nước này, theo hãng tin Reuters.

Thiếu tướng Nga Yevgeny Ilyin phát biểu tại Duma quốc gia rằng Moscow sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế đã nhất trí đối với các hệ thống phân phối có khả năng mang hạt nhân, tức tên lửa và máy bay ném bom chiến lược, hãng RIA đưa tin.

Ông Ilyin cũng khẳng định Nga sẽ tiếp tục thông báo cho Mỹ về việc triển khai vũ khí hạt nhân để "ngăn chặn các tín hiệu sai lầm, điều quan trọng để duy trì sự ổn định chiến lược”.

Trong khi đó, hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trấn an: “Tôi không tin quyết định đình chỉ Hiệp ước New START sẽ đưa chúng tôi đến gần chiến tranh hơn". Ông Ryabkov lưu ý thêm rằng Nga sẽ theo dõi chặt chẽ các hành động tiếp theo của Mỹ và đồng minh, bao gồm việc xem xét các biện pháp đối phó tiếp theo, nếu cần thiết.

Bình luận về quyết định đình chỉ Hiệp ước New START của Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/2 cho rằng đó là "một sai lầm to lớn", song cho biết ông không xem quyết định trên của Moscow là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Putin đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi quyết định của Nga là "vô cùng đáng tiếc và vô trách nhiệm". Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhận định động thái của Moscow khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn và kêu gọi ông Putin xem xét lại.

New START được ký kết năm 2010 nhằm hạn chế kho vũ khí của hai nước ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân. Hiệp ước này hiện là trụ cột duy nhất còn lại trong việc kiểm soát hạt nhân song phương giữa Moscow và Washington. Tháng 1/2021, hai bên đã nhất trí gia hạn thêm 5 năm, tới năm 2026.

New START buộc cả hai quốc gia phải giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống tối đa 1.550 mỗi loại và giới hạn số lượng các hệ thống như tên lửa liên lục địa (ICBM), tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom xuống còn 800 mỗi loại. Hiệp ước cũng cho phép mỗi bên có thể kiểm tra số lượng vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước còn lại.