BRICS tập hợp 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm 42% dân số thế giới, với 23% GDP toàn cầu và khoảng 17% thương mại thế giới. |
"Đây là "Kaliyuga" (từ ám chỉ thời kỳ đen tối trong thần thoại Ấn Độ)... Chúng ta đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính, kinh tế và chiến tranh thương mại ", cố vấn ngoại giao của ĐSQ Nga ở New Delhi, Roman Babushkin nói, dù không trực tiếp đề cập đến Mỹ.
Theo ông Babushkin, BRICS lần này có thể hoàn tất Quỹ trái phiếu tiền tệ địa phương để vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại đơn phương đối với các quốc gia thành viên của khối này.
Nga, Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ vì những lý do khác nhau. Với Moscow, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea do kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý.
Kể từ giữa năm 2018, Mỹ và Trung Quốc mắc kẹt trong một cuộc đối đầu thương mại dẫn đến nhiều vòng thuế quan trả đũa. Thuế quan của Washington đối với Bắc Kinh đã khiến hơn 25% hàng hóa bị đánh thuế.
Căng thẳng thương mại Ấn - Mỹ cũng ngày càng sâu sắc khi Washington tuyên bố loại bỏ New Delhi khỏi chế độ GSP vào tháng 6 năm nay. Đáp lại, Ấn Độ áp đặt mức thuế trả đũa đối với 28 sản phẩm của Mỹ, trị giá 240 triệu USD.
Bên cạnh tình hình kinh tế toàn cầu, các nhà lãnh đạo BRICS cũng sẽ cân nhắc xây dựng các cơ chế hợp tác chống khủng bố và tăng cường hợp tác trong nền kinh tế kỹ thuật số. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề diễn đàn kinh doanh BRICS.