Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga nói về khả năng đóng băng xung đột với Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức ngoại giao cấp cao của Nga khẳng định, Moscow sẽ không bao giờ đồng ý với một thỏa thuận giống Minsk khác, vốn chỉ nhằm mục đích tạm dừng cuộc xung đột ở Ukraine, thay vì giải quyết nó một lần và mãi mãi.

Đại diện thường trực Nga  tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 31/10. Ảnh: RT
Đại diện thường trực Nga  tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 31/10. Ảnh: RT

Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vassily Nebenzia vừa tuyên bố nước này sẽ không ký bất cứ thỏa thuận nào chỉ đóng băng mà không chấm dứt xung đột Ukraine.

Theo đài RT, ông Nebenzia ngày 1/11 cho biết, Moscow sẽ không lặp lại những sai lầm trong quá khứ và đồng ý với một thỏa thuận kiểu Minsk khác, vốn chỉ nhằm mục đích tạm dừng cuộc xung đột ở Ukraine, thay vì giải quyết nó một lần và mãi mãi.

Các thỏa thuận Minsk, được Nga và Ukraine ký kết vào năm 2014 và 2015 với vai trò trung gian của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, nhằm giải quyết căng thẳng sau cuộc đảo chính Maidan do phương Tây hậu thuẫn nhằm lật đổ chính phủ ở Kiev.

Tuy nhiên, giới chức cấp cao của Ukraine, Đức và Pháp sau đó đã công khai thừa nhận rằng họ không bao giờ có ý định tuân thủ các thỏa thuận Minsk mà lợi dụng chúng để "câu giờ" cho Kiev tái vũ trang.

Phía Nga cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy cả Ukraine và phương Tây đều không mong muốn hòa bình ở Ukraine, mặc dù Moscow vẫn để ngỏ khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng bằng giải pháp ngoại giao.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 31/10, Đại sứ Nebenzia khẳng định: "Nga sẽ không lặp lại kịch bản của thỏa thuận Minsk, không đóng băng xung đột, cũng như không có chuyện Ukraine gia nhập NATO bằng cách này hay cách khác".

Thay vào đó, ông Nebenzia nhấn mạnh, cuộc xung đột sẽ được giải quyết vĩnh viễn bằng cách Nga đạt tất cả các mục tiêu trong chiến dịch quân sự của mình, bao gồm cả "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine.

Theo nhà ngoại giao Nga, lãnh thổ do Ukraine nắm giữ tiếp tục bị thu hẹp mỗi ngày và cho rằng đã đến lúc phương Tây phải xem xét lợi ích của người dân Ukraine, những người muốn hòa bình và quan hệ tốt đẹp với Moscow .

"Thời điểm hiện tại, các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi đang thất bại trong việc này", ông Nebenzia bình luận.

Trong diễn biến liên quan, bình luận về phát biểu của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng cuộc xung đột có thể kết thúc bằng một "trận hòa", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định, Moscow theo đuổi một giải pháp cho xung đột ở Ukraine mà có thể đáp ứng được lợi ích của tất cả các quốc gia Á - Âu. Trong khi đó, kịch bản "hòa" trong xung đột ở Ukraine không thể đáp ứng được điều kiện đó.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Tass
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Tass

Moscow cũng bác bỏ cái gọi là "kế hoạch hòa bình", "kế hoạch chiến thắng" của Kiev. "Sự ổn định ở khu vực Á - Âu chỉ đạt được thông qua những đảm bảo lâu dài, đáng tin cậy trong lĩnh vực an ninh", Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ.

Ông Lavrov nhắc lại những bất bình của Moscow đối với Kiev, trích dẫn tham vọng NATO và các chính sách trong nước mà Ngoại trưởng cho là có ý định "phá hủy văn hóa Nga", bao gồm ngôn ngữ và Nhà thờ Chính thống giáo Ukraine lịch sử. Ông nói rằng Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động quân sự và bất kỳ giải pháp khả thi nào cho cuộc xung đột này sẽ phải giải quyết cả hai vấn đề.

Các cuộc đàm phán tại Istanbul vào tháng 3/2022 đã đưa ra một văn bản được các nhà đàm phán Nga và Ukraine nhất trí. Theo thỏa thuận ngừng bắn được đề xuất, Ukraine sẽ từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO và chấp nhận giới hạn về lực lượng vũ trang của mình, để đổi lấy các đảm bảo an ninh quốc tế, bao gồm cả từ Nga.

Người đứng đầu phái đoàn Ukraine tại Istanbul, nghị sĩ David Arakhamia, đã thừa nhận rằng Ukraine đã rút khỏi thỏa thuận sau khi Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đến thăm Kiev và kêu gọi nước này "chỉ cần chiến đấu" với Nga. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 vừa qua đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk cũng như các vùng Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.

Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng tuyên bố Nga sẽ không đàm phán nếu Ukraine vẫn tiếp tục tấn công tỉnh Kursk. Ông chủ Điện Kremlin tin rằng Ukraine rốt cuộc sẽ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán bởi chiến dịch đột kích ở Kursk cuối cùng sẽ thất bại.

Trong khi đó, đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày 'kế hoạch chiến thắng' của mình cho cuộc xung đột, bao gồm lời mời ngay lập tức để Ukraine gia nhập NATO và tăng cường hỗ trợ quân sự từ phương Tây. Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông và tuyên bố của một số quan chức phương Tây, các đồng minh của Kiev đang hoài nghi về tính khả thi của đề xuất này.