Nga, OPEC phản hồi kế hoạch xả kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhdothi - Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đang cân nhắc việc tạm dừng kế hoạch tăng dần sản lượng được nhất trí hồi tháng 7 năm nay, sau khi Washington tuyên bố giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược.

Hãng RT của Nga đưa tin một số nước thành viên OPEC và các nước đồng minh, nhóm OPEC+, đã phát tín hiệu sẽ xem xét hủy kế hoạch tăng sản lượng dầu mỏ từ năm tới, vốn được thống nhất tại cuộc họp vào tháng 7 vừa qua, nếu Mỹ và các quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới xả kho dự trữ nhiên liệu chiến lược.
 Nhóm OPEC+ đã phát tín hiệu sẽ xem xét hủy kế hoạch tăng sản lượng dầu mỏ từ năm tới sau khi Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn thông báo kế hoạch xả kho dự trữ dầu chiến lược. 
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal (Mỹ) trích dẫn các nguồn tin quen thuộc với liên minh OPEC+ cho biết một số quốc gia thành viên khác, như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait, ủng hộ việc duy trì thỏa thuận tăng nhẹ sản lượng.
Ả Rập Saudi, nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, và Nga, dẫn đầu những nước sản xuất dầu chủ chốt, đã dẫn đầu những nỗ lực cắt giảm sản lượng nhằm thắt chặt thị trường trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19.
Ủy ban Kinh tế (ECB) của OPEC hôm 24/11 đã cảnh báo việc Mỹ và một số quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn trên thế giới, gồm Anh, Nhật Bản và Ấn Độ, xả bán lượng lớn dầu thô từ kho dự trữ chiến lược sẽ khiến tình trạng dư cung dầu thô trong năm 2022 trở nên tồi tệ hơn.
ECB cho biết tình trạng dư cung dầu thô trên toàn cầu sẽ tăng vọt từ mức 1,1 triệu thùng/ngày lên 2,3 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2022 và lên tới 3,7 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2022 nếu Mỹ và các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược.
Trước đó, trong ngày 23/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã ra lệnh xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này trong nỗ lực phối hợp với các nước khác nhằm hạ nhiệt giá “vàng đen” vốn đã leo dốc hơn 50% kể từ đầu năm đến nay. Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ: "Quyết định sử dụng dầu dự trữ chiến lược này sẽ được thực hiện song song với các nước tiêu thụ năng lượng chủ chốt khác bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh".
Theo một quan chức của Nhà Trắng, động thái này sẽ bắt đầu từ giữa hoặc cuối tháng 12 tới, và Mỹ có thể can thiệp mạnh hơn nhằm ổn định thị trường dầu toàn cầu. Đây là lần đầu tiên, Mỹ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Cùng với Mỹ, chính phủ Ấn Độ cũng thông báo sẽ xả bán ra thị trường khoảng 5 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của mình. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa thông báo chi tiết thời gian nào sẽ đưa lượng dầu trên ra thị trường. Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới. Trong khi đó, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp Anh thông báo sẽ xuất 1,5 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược.
Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết Tokyo sẽ bán một phần kho dự trữ của mình, song chưa tiết lộ thời điểm giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược. Trước đó, tờ Nikkei đưa tin Nhật Bản có thể sẽ bán khoảng 4,2 triệu thùng dầu.
Trong khi đó, Seoul tuyên bố sẽ đưa ra quyết định cụ thể về việc xuất kho dầu dư trữ chiến lược sau khi thảo luận với Mỹ và các đồng minh khác. Trong cuộc khủng hoảng tại Libya năm 2011 khiến nguồn cung dầu toàn cầu giảm tới 1,8 triệu thùng/ngày, Hàn Quốc đã phải giải phỏng gần 3,5 triệu thùng dầu - tương đương 4% dự trữ quốc gia của nước này.
Trong suốt những tháng gần đây, chính quyền Tổng thống Biden liên tục gây sức ép, kêu gọi OPEC phải tăng mạnh sản lượng nhằm giữ giá dầu ở mức hợp lý, hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, liên minh OPEC+ kiên quyết giữ quan điểm chỉ nâng sản lượng khai thác ở mức vừa phải và cảnh báo thị trường sẽ rơi vào tình trạng dư cung dầu thô kể từ đầu năm sau.
Một số chuyên gia  nhận định rằng nhóm OPEC+ có thể sẽ dừng kế hoạch tăng dần sản lượng được thống nhất trước đó để đáp trả việc xả kho dự trữ của Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn khác.
Nhà phân tích Victor Kurilov của tổ chức Rystad Energy nói với TASS hôm 25/11 rằng liên minh này nhiều khả năng sẽ hủy kế hoạch tăng sản lượng từ năm tới, thậm chí có thể còn cắt giảm thêm nguồn cung do lo ngại tình trạng dư cung toàn cầu. "Trong cuộc họp chính sách vào đầu tháng 12 tới, các nước OPEC+ có thể từ bỏ thỏa thuận tăng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày, thậm chí nhiều khả năng còn giảm hạn ngạch khai thác do lo ngại về làn sóng áp đặt trở lại lệnh phong tỏa ngăn dịch Covid-19 và dư thừa nguồn cung trong đầu năm tới”, chuyên gia Kurilov cho hay.
Theo kế hoạch hiện nay của OPEC+, mỗi tháng tổ chức này sẽ nâng mức sản lượng thêm 400.000/thùng ngày cho đến tháng 4/2022. Quyết định chính thức về chính sách sản lượng sẽ được đưa ra trong cuộc họp vào tuần tới. Dù vậy trong động thái mới nhất, UAE - quốc gia vẫn được xem mong muốn tăng sản lượng nhất trong OPEC+, cũng khẳng định nước này sẵn sàng thuận theo ý chí tập thể./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần