Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga-OPEC "phớt lờ" việc Mỹ xả kho dự trữ, vẫn bơm thêm dầu

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - OPEC, Nga quyết định không thay đổi kế hoạch tăng sản lượng hàng tháng từ đầu năm 2022 bất chấp việc Mỹ xả kho dự trữ dầu mỏ chiến lược và lo ngại về biến thể Omicron đối với nhu cầu thị trường.

Kết thúc cuộc họp chính sách trực tuyến hôm 2/12, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, thông báo giữ nguyên kế hoạch nâng sản lượng được thống nhất từ tháng 7/2021. Theo đó, OPEC+ sẽ tiếp tục bơm thêm 400.000 thùng/ngày vào thị trường từ tháng 1/2022 , bất chấp giá dầu gần đây giảm vì lo ngại dư cung.
 OPEC+ hôm 2/12 quyết định giữ nguyên kế hoạch nâng sản lượng được thống nhất từ tháng 7/2021.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 2/12, các bộ trưởng năng lượng OPEC+ khẳng định họ sẽ tiếp tục dự trữ giữa đại dịch, theo dõi chặt chẽ thị trường dầu mỏ và sẵn sàng thực hiện "các điều chỉnh ngay lập tức nếu được yêu cầu". Cuộc họp tiếp theo của nhóm OPEC+ là ngày 4/1/2022.
Trước đó, các nhà phân tích đã kỳ vọng OPEC + sẽ tạm dừng tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày dự kiến vào tháng một do giá giảm gần đây và sự không chắc chắn về quỹ đạo của đại dịch cũng như tác động của nó đối với nhu cầu về sử dụng dầu.
Trước thềm cuộc họp chính sách của OPEC+, các nguồn tin tiết lộ liên minh này, dẫn đầu là Ả Rập Saudi và Nga, đã cân nhắc việc tạm dừng kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày từ năm sau.
Nhận định về quyết định mới nhất của OPEC+, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng thị trường nhiên liệu toàn cầu đang cân bằng, song nhu cầu toàn cầu có thể tăng chậm lại.
Trong khi đó, ông Alex Booth, nhà nghiên cứu trưởng của Kpler cho rằng quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022 sẽ giúp OPEC+ không chỉ “lấy lòng” các nhà tiêu thụ dầu hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn “giảng hòa” với Mỹ.
Ngoài ra, OPEC+ cũng đang chịu áp lực phải tiếp tục tăng sản lượng dầu mỏ từ các nước thành viên. “Như chúng ta đã biết, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất luôn mong muốn được nâng công suất khai thác tối đa của nước này, và Nga cũng muốn tiếp tục sản xuất nhiều dầu hơn” - ông Booth nói.
Phía Washington đã nhiều lần lên tiếng hối thúc nhóm OPEC+ tăng mạnh nguồn cung để hạ nhiệt giá dầu trong bối cảnh giá xăng tại Mỹ tăng kỷ lục khiến tỷ lệ lạm phát của nước này chạm đỉnh hơn 30 năm.
Trước đó, hôm 23/11 vừa qua, Tổng thống Biden thông báo Mỹ sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). Theo đó, khoảng 32 triệu thùng dầu trong lượng dầu được giải phóng lần này sẽ được thực hiện dưới dạng một khoản vay mà các công ty dầu mỏ sẽ trả lại kho và số còn lại sẽ là phần tăng lượng bán ra mà Quốc hội đã phê chuẩn.
Đây là đầu tiên Mỹ thực hiện việc xả kho SPR cùng với các nước tiêu thụ hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, nhưng với lượng dầu được giải phóng nhỏ hơn. Quyết định xả dầu từ SPR được chính phủ Mỹ đưa ra sau khi lời kêu gọi tăng mạnh sản lượng để đáp ứng nhu cầu đang phục hồi mạnh mẽ của người đứng đầu Nhà Trắng không được OPEC+ hưởng ứng.
Ngay sau khi OPEC+ thông báo giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng được thống nhất từ tháng 7/2021, giá dầu Brent lao dốc hơn 1 USD. Tuy nhiên, giá mặt hàng dầu này đã phục hồi lên mức 70 USD/thùng vào cuối phiên ngày 2/12 khi OPEC+ tuyên bố sẵn sàng "điều chỉnh đột xuất nếu cần thiết".
Giá dầu Brent đã rời xa mức đỉnh trong 3 năm tới 86 USD/thùng ghi nhận hồi đầu tháng 10, song vẫn tăng hơn 30% từ đầu năm đến nay. Giá dầu bắt đầu giảm trong tháng 11 khi Mỹ và nhiều nước tiêu thụ dầu lớn khác đồng ý xả kho dự trữ chiến lược để kiềm chế đà tăng của nhiên liệu và lạm phát. Bên cạnh đó, giá “vàng đen” chịu áp lực đi xuống trong các phiên gần đây do số ca Covid-19 tăng vọt tại châu Âu và biến chủng Omicron đe dọa các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng quyết định của OPEC+ sẽ không làm trật nhịp tăng của thị trường. Họ nhận thấy "rủi ro tăng giá rất rõ ràng" và dự báo giá dầu Brent trung bình là 85 USD một thùng năm sau.
Theo đánh giá của Goldman Sachs, tâm lý lo ngại về đà lao dốc của giá dầu gần đây cũng như biến thể Omicron làm giảm nhu cầu, là quá đà. Mức giá hiện tại "là cơ hội tốt" để tái đầu tư. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng trong ngắn hạn, đà phục hồi của giá dầu vẫn phụ thuộc vào thông tin liên quan đến biến thể Omicron. Để giá dầu tăng lên mức 80 USD/thùng, thị trường cũng cần thêm bằng chứng về nguồn cung được thắt chặt./.