Các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã kết thúc cuộc họp ở Vienna (Áo) mà không có quyết định mức sản lượng dầu mỏ sẽ cắt giảm trong năm tới. Các quan chức của nhóm này nói sẽ bàn về con số cụ thể khi họp với các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác ngoài khối, gồm Nga, trong ngày 7/12.
Hiện Nga chưa đưa ra quyết định rằng liệu Moscow có đồng ý với đề xuất cắt giảm sản xuất với sản lượng lớn từ OPEC. Đây là lần đầu tiên trong gần 5 năm qua Nga thể hiện quan điểm bất đồng với Ả Rập Saudi về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih cho biết ông không tin tưởng sẽ đạt thỏa thuận cụ thể cắt giảm sản lượng tại cuộc họp giữa các nước OPEC và đồng minh trong ngày 7/12.
Hiện khả năng các nước trong và ngoài OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày vẫn không chắc chắn.
“Không phải nước nào cũng sẵn sàng cắt giảm như nhau. Đặc biệt, Nga chưa sẵn sàng cắt giảm với sản lượng dầu mỏ lớn”, Bộ trưởng Al-Falih nói với các phóng viên ở Vienna .
Việc OPEC không đảm bảo đạt một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ là dẫn chứng mới nhất cho thấy tổ chức này đang bị chi phối từ những quốc gia không phải thành viên OPEC và ngày càng phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ Nga
Trong một báo cáo mới nhất, chính phủ Mỹ cho biết nước này đã trở thành một nước xuất khẩu dầu mỏ ròng lần đầu tiên trong 75 năm qua nhờ sự bùng nổ của khai thác dầu đá phiến.
Derek Brower - giám đốc tư vấn của RS Energy Group cho biết: “Việc OPEC không đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng do chưa thuyết phục được các nước đồng minh ngoài khối, dẫn đầu là Nga, trước cuộc họp lần này sẽ khó khăn cho một số thành viên của tổ chức này”.
Trước đó, các bộ trưởng OPEC và các nước sản xuất dầu ngoài khối (nhóm OPEC +), đã thảo luận một đề xuất cắt giảm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày, một đại biểu cho biết. Mức cắt giảm sản xuất này phù hợp với mong muốn của Ả Rập Saudi - một mức giảm vừa phải và sẽ không "gây sốc thị trường".
OPEC đang đứng trước áp lực phải kéo giá dầu đi lên do giá năng lượng này đã giảm hơn 30% sau khi đạt đỉnh của 4 năm vào đầu tháng 10. Nỗi lo về sự thừa cung dầu toàn cầu, cùng với những tín hiệu về sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới đã khiến giá dầu WTI sụt 22% trong tháng 11, ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.
Mặc khác, tổ chức này cũng chịu áp lực lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông liên tục kêu gọi OPEC không giảm sản lượng để giữ giá dầu ở mức thấp.
Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông cần giá dầu cao để bù đắp chi tiêu của chính phủ.
Mặc dù Nga, nhà sản xuất lớn nhất trong nhóm OPEC +, đã đồng ý cắt giảm về nguyên tắc trong các cuộc thảo luận trước cuộc họp của OPEC tại Vienna, hiện Moscow vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Trong các cuộc gặp riêng trước đó trong tuần này, các đại biểu OPEC nói rằng Ả Rập Saudi yêu cầu Nga sẽ cắt giảm khoảng 300.000 thùng/ngày, song Moscow chỉ muốn giảm sản xuất dưới mức 150.000 thùng dầu/ngày.
Bộ trưởng Al-Falih hôm 6/12 khẳng định: “Nếu Nga không cắt giảm, thì chúng tôi (OPEC) cũng sẽ không thực hiện việc này”.
Thị trường dầu mỏ nhanh chóng phản ứng tiêu cực trước kết quả cuộc họp của OPEC, với giá dầu thô Brent giảm 5,2% xuống 58,36 USD/thùng.