70 năm giải phóng Thủ đô

Nga sắp tung “đòn” trừng phạt làm suy yếu kinh tế phương Tây

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, lệnh cấm xuất khẩu các kim loại quan trọng cho phương Tây sắp tới của Moscow có thể bao gồm "danh sách dài các sản phẩm có nhu cầu cao trên thị trường toàn cầu".

Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak. Ảnh: Tass
Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak. Ảnh: Tass

Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak vừa cảnh báo, nước này có thể chặn dòng chảy các nguồn tài nguyên quan trọng về mặt chiến lược đến các quốc gia được cho là “không thân thiện” khi chính phủ cân nhắc các biện pháp đối phó với lệnh trừng phạt của phương Tây.

Lệnh cấm xuất khẩu các nguyên liệu quan trọng sang các nước phương Tây có thể bao gồm "danh sách dài các sản phẩm có nhu cầu cao trên thị trường toàn cầu", RT trích dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Novak bên lề Tuần lễ Năng lượng Nga hồi tuần trước,

Mặc dù ông Novak không nêu rõ các sản phẩm cụ thể, song danh sách được dự đoán sẽ bao gồm các kim loại chuyển tiếp, đặc biệt là urani, niken và titan.

Theo Phó Thủ tướng Novak, Chính phủ Nga đang phân tích tính khả thi của các hạn chế để đảm bảo các ngành công nghiệp trong nước sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc hạn chế nguồn cung và sẽ tiếp tục phát triển.

Trước đó, hôm 11/9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Thủ tướng Mikhail Mishustin lập báo cáo về các biện pháp mà Moscow có thể thực hiện để hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản chiến lược nhằm ứng phó với chính sách trừng phạt của phương Tây.

Theo Tổng thống Putin, Nga có thể hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu thô chiến lược như nhiên liệu hạt nhân, kim loại, khoáng sản khác.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng gợi ý rằng các hạn chế được đề xuất có thể bao gồm việc xuất khẩu uranium, titan và niken của nước này, cũng như "một số hàng hóa khác".

“Đòn” đau với kinh tế Mỹ và EU?

Các chuyên gia cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cũng như biến động giá đối với các mặt hàng kim loại chiến lược nếu Nga tiến hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang các nước “không thân thiện” với Moscow.

Nga hiện là một trong 10 nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới. Ảnh: Asiatoday 
Nga hiện là một trong 10 nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới. Ảnh: Asiatoday 

“Nỗi đau” của việc Nga cấm xuất khẩu tài nguyên chiến lược “sẽ được cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), và tất cả các quốc gia được liệt kê là ‘không thân thiện’ với Nga, cảm nhận, vì họ sẽ phải nhập khẩu các kim loại cần thiết từ các nhà cung cấp của nước thứ ba. Điều đó sẽ khiến giá cả mặt hàng này tăng đáng kể và kéo theo chi phí chuỗi cung ứng mở rộng” - ông Paul Goncharoff, tổng giám đốc công ty tư vấn Goncharoff LCC, nói với đài Sputnik khi bình luận về đề xuất của Tổng thống Putin.

“Trong mọi trường hợp, người dùng cuối phải trả hóa đơn thuế bắt buộc này dưới hình thức lạm phát thậm chí còn cao hơn” - ông Goncharoff nói thêm, ám chỉ rằng giá hàng hóa tăng phi mã sẽ gia tăng gánh nặng tài chính mà các nhà sản xuất và người tiêu dùng ở nhiều nước phương Tây đang phải gánh chịu.

Chuyên gia Goncharoff cho biết, mặt hàng titan chất lượng cao cũng chịu tác động tương tự khi “ông lớn” titan của Nga VSMPO-AVISMA hiện là "độc nhất trên thế giới" về khả năng sản xuất số lượng lớn titan dùng trong lĩnh vực hàng không.

Theo vị chuyên gia này, với urani làm giàu, tình hình thậm chí còn phức tạp hơn, vì đây là nguồn tài nguyên hạn chế thường được xuất khẩu cho một khách hàng cụ thể cho một mục đích sử dụng cụ thể. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch thay thế các nhà cung cấp là một quá trình dài và tỉ mỉ.

“Pháp là quốc gia đứng thứ hai sau Nga về làm giàu urani, nhưng công nghệ làm giàu của Moscow vượt trội hơn hẳn so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và chi phí làm giàu của chúng tôi rẻ hơn 35-40% so với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Vì vậy, nếu một quốc gia buộc phải chuyển sang vật liệu có nguồn gốc từ Pháp, quốc gia đó sẽ phải trả thêm một khoản chi phí lớn” - chuyên gia Khudalov lưu ý thêm.

Ông Khudalov nhận định thêm rằng, trong ngắn hạn, Nga có thể mất một chút doanh thu xuất khẩu nếu xuất khẩu tài nguyên sang phương Tây đột nhiên bị cắt giảm.

Thị phần uranium làm giàu của Nga ước tính vào khoảng 40%. Nhiên liệu này rất quan trọng đối với cả sản xuất điện hạt nhân dân sự và vũ khí hạt nhân quân sự.

Mặc dù Mỹ đã chính thức cấm nhập khẩu uranium của Nga vào đầu năm nay, nhưng họ đã đặc cách cho phép các công ty mua hàng do lo ngại về nguồn cung cho đến năm 2028.

Nga hiện là một trong 10 nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, thành phần quan trọng trong sản xuất năng lượng sạch, theo cổng thông tin Công nghệ khai thác có trụ sở tại Vương quốc Anh. Moscow cũng là nhà sản xuất titan lớn thứ ba thế giới, thành phần quan trọng đối với ngành hàng không vũ trụ.

Mặc dù đã áp nhiều lệnh cấm vận mạnh chưa từng có kể từ khi bùng phát chiến sự tại Ukraine, song đến nay phương Tây vẫn chưa muốn trừng phạt titan của Nga, vì cả EU và Mỹ vẫn tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào quốc gia này để cung cấp.

Theo báo cáo của tờ Washington Post, các công ty Mỹ và châu Âu đã chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu titan của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022./.