Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu tới Nga trong cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông Kim sẽ không đạt được mục đích dỡ bỏ hay giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đang đang giáng lên Bình Nhưỡng nhờ cuộc gặp này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Sau khi hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc mà không có thỏa thuận, cuộc gặp của ông Kim với ông Putin như một lời nhắc nhở với Washington rằng Triều Tiên có các lựa chọn khác trong khu vực.
Lòng tin đến đâu?
Tuy nhiên, Nga sẽ bị hạn chế về những gì họ có thể cung cấp và hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào việc nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo thay vì những khoản đầu tư hoặc viện trợ mới, theo giới phân tích.
“Gặp ông Putin, ông Kim sẽ yêu cầu hỗ trợ kinh tế và nới lỏng lệnh trừng phạt đơn phương. Điều mà Moscow không thể đáp lại”, Artyom Lukin, giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok cho biết. Là một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nắm quyền phủ quyết, Moscows sẽ không mạo hiểm có các động thái gây ảnh hưởng tới quyền lực, bất chấp “tình bạn” với ông Kim, ông Lukin chia sẻ.
Trong khi Nga khẳng định thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt đã bỏ phiếu ở LHQ, Moscow đã cùng Trung Quốc kêu gọi nới lỏng hình phạt đối với Triều Tiên để công nhận BìnhNhưỡng hạn chế thử nghiệm vũ khí
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng khẳng định, bước tiếp để Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân nên là nới lỏng các biện pháp trừng phạt, tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an năm 2018.
Washington từng cáo buộc Nga bất tuân các lệnh trừng phạt và khẳng định có bằng chứng về các hành vi vi phạm của Nga.
Hồi tháng 2, Reuters đưa tin một tàu chở dầu Nga đã vi phạm lệnh trừng phạt thương mại quốc tế bằng cách chuyển nhiên liệu cho một tàu của Triều Tiên trên biển ít nhất bốn lần trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018.
Một nhà lập pháp Nga chia sẻ với hãng tin Interfax tuần trước rằng Triều Tiên đã yêu cầu Moscow cho phép công dân của họ lao động tại Nga bất chấp lệnh trừng phạt yêu cầu trục xuất vào cuối năm nay.
“Một vấn đề vô cùng nhức nhối về phía ông Kim là lao động Triều Tiên tại Nga”, theo ông Anthony Rinna, chuyên gia về quan hệ Hàn Quốc-Nga.
Mỹ từng khẳng định Bình Nhưỡng thu về hơn 500 triệu USD mỗi năm từ gần 100.000 nhân công ở nước ngoài, trong đó có 30.000 người ở Nga.
Theo các báo cáo chưa được công bố của Moscow cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Nga đã trục xuất gần 2/3 số công nhân Triều Tiên trong năm 2018.
Một báo cáo của Reuters thì cho biết năm 2018 số người Triều Tiên có giấy phép lao động ở Nga đã giảm xuống còn khoảng 11.500.
Quan hệ Nga-Triều Tiên đã xuống dốc sau khi Liên Xô sụp đổ. Việc mất đi hỗ trợ từ Moscow thường được coi là một yếu tố dẫn đến nạn đói năm 1990 đã khiến hàng trăm ngàn người Triều Tiên thiệt mạng.
Lịch sử dài
Cha của ông Kim Jong Un, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, đã nỗ lực cải thiện mối quan hệ sau khi ông Putin lần đầu trở thành tổng thống Nga vào năm 1999. Ông đã đến thăm Nga ba lần trước khi qua đời đột ngột vào năm 2011.
“Nga có thể đồng ý về một số dự án như xây cây cầu nối hai nước bắc qua sông Tumangan, hoặc tăng cường viện trợ nhân đạo”, ông Lukin nói.
Đầu năm nay, Nga đã gửi hơn 2.000 tấn lúa mì tới Triều Tiên thông qua Chương trình lương thực thế giới. Các nhà lập pháp Nga đã đề nghị Moscow có thể chuyển tới 50.000 tấn lúa mì tới Triều Tiên.
Theo Liên Hợp quốc, Nga đã tiếp tục xuất khẩu một lượng lớn dầu cho Triều Tiên, mặc dù Bình Nhưỡng vẫn chịu các lệnh trừng phạt.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết vào tháng 3, các quan chức đã gặp nhau tại Moscow để ký một thỏa thuận, nhằm tăng cường liên lạc và trao đổi cấp cao về chính trị và tích cực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và nhân đạo.
Trong khi Moscow khó có thể mạo hiểm quyền lực của mình tại Liên Hợp Quốc bằng cách vi phạm các biện pháp trừng phạt công khai, ông Putin có thể cam kết không ủng hộ bất kỳ biện pháp trừng phạt bổ sung nào, theo chuyên gia Lukin.