Nga tịch thu tài sản phương Tây: Chiến dịch trả đũa bắt đầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau một sắc lệnh do Tổng thống Putin ký, Moscow bắt đầu tịch thu tài sản của các doanh nghiệp lớn châu Âu.

Ngày 26/4, Điện Kremlin cảnh báo Moscow sẽ tịch thu thêm tài sản của các doanh nghiệp phương Tây sau khi nước này tạm thời nắm quyền kiểm soát hai công ty châu Âu.

Logoo của tập đoàn năng lượng  Phần Lan Fortum. Ảnh: RT
Logoo của tập đoàn năng lượng  Phần Lan Fortum. Ảnh: RT

Moscow tạm thời kiểm soát tài sản của Unipro - chi nhánh công ty Uniper (Đức), và chi nhánh công ty Fortum của Phần Lan, đặt tại Nga.

Trước đó vào ngày 25/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một sắc lệnh cho phép tạm thời tiếp quản tài sản nước ngoài được coi là quan trọng với an ninh năng lượng quốc gia.

Theo sắc lệnh trên, Cơ quan Quản lý Tài sản Liên bang Nga được lệnh thiết lập quyền kiểm soát các công ty con tại Nga của tập đoàn năng lượng Fortum (Phần Lan) và Uniper (Đức).

Tổng thống  Putin ngày 25/4 ký một sắc lệnh cho phép tạm thời tiếp quản tài sản nước ngoài. Ảnh: Tass
Tổng thống  Putin ngày 25/4 ký một sắc lệnh cho phép tạm thời tiếp quản tài sản nước ngoài. Ảnh: Tass

Đây là phản ứng mạnh mẽ của Moscow sau khi Bloomberg tiết lộ giới chức các nước G7 đang cân nhắc lệnh cấm vận đối với gần như tất cả hàng hóa xuất khẩu sang Nga. Động thái của G7 nhằm hạn chế nguồn tài chính của Moscow cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Năm ngoái, Nga đã đưa ra danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ không thân thiện do áp biện pháp trừng phạt chống lại Moscow. Tổng thống Putin ban hành nhiều sắc lệnh khác nhau để đáp trả những quốc gia, vùng lãnh thổ này và để bảo vệ nền kinh tế Nga.

Trước đó, người đứng đầu Điện Kremlin cũng yêu cầu những nước này phải thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng ruble. Moscow cảnh báo, bất cứ nước nào không tuân thủ yêu cầu này đều có thể bị Nga cắt nguồn cung.

Mỹ và các đồng minh, đối tác liên tục áp biện pháp trừng phạt Nga sau khi Moscow phát động chiến sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm cách hợp pháp hóa việc sử dụng tài sản của Nga bị đóng băng trên lãnh thổ châu Âu để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Về phần mình, Moscow chỉ trích kế hoạch đó và cảnh báo sẵn sàng kiện ra tòa án quốc tế.

Giải thích rõ hơn về sắc lệnh mới nhất của Tổng thống Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 26/4 tuyên bố, việc kiểm soát các tài sản nước ngoài chiến lược ở Nga sẽ cho phép Moscow phản ứng hiệu quả trước khả năng bị tịch thu tài sản của các công ty Nga ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo quan chức Nga, sắc lệnh không giải quyết các vấn đề về tài sản và không tước đoạt tài sản của chủ sở hữu.

Theo RT, tập đoàn năng lượng Uniper của Đức sở hữu 83,73% cổ phần của Unipro - công ty vận hành 5 nhà máy điện với tổng công suất hơn 11 gigawatt (GW) ở Nga và có khoảng 4.300 nhân viên.

Còn tập đoàn năng lượng Fortum thuộc sở hữu nhà nước của Phần Lan nắm giữ 98,2% cổ phần của công ty con địa phương Fortum PJSC.

Quyết định mới nhất của Nga diễn ra vài tháng sau khi Đức và Ba Lan có những động thái tương tự. Hồi tháng 6/2022, chính quyền Đức đã tiếp quản Gazprom Germania - chi nhánh của tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom tại Đức. Vào tháng 11 cùng năm, Warsaw nắm giữ 48% cổ phần của Gazprom trong liên doanh EuRoPol GAZ - đại diện chủ sở hữu của Ba Lan trong dự án đường ống khí đốt Yamal - châu Âu.

Công ty con của tập đoàn Nga Novatek ở Ba Lan chuyên kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng và hydrocacbon cũng bị tịch thu. Tài sản của Novatek được rao bán vào đầu tháng này.

Vào tháng 9/2022, Berlin đã mua cổ phần của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft trong 3 nhà máy lọc dầu lớn, chiếm 12% tổng công suất lọc dầu của cả nước Đức. Các khiếu nại của Rosneft chống lại động thái này đã bị tòa án Đức bác bỏ. Đạo luật được Quốc hội Đức ban hành vào ngày 20/4/2022 cho phép Đức tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga.