Theo Reuters, Đại sứ quán Nga ở Thụy Sĩ hôm 9/4 thông báo, nước này đã không mời Moscow tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine, dự kiến diễn ra tại thành phố Lucerne (Thụy Sĩ) vào ngày 16 và 17/6 tới.
Cũng trong thông báo trên, Nga khẳng định sẽ không tham gia vào hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ vì nước chủ nhà ủng hộ "công thức hòa bình" không phù hợp với lợi ích của Nga.
“Phía Thụy Sĩ đã không gửi lời mời Nga tham dự hội nghị. Ngay cả khi chúng tôi nhận được lời mời tham dự một sự kiện như vậy, Moscow cũng sẽ không tham gia” - người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Thụy Sĩ Vladimir Khokhlov nói với CNBC.
Đại sứ quán Nga tại Thụy Sĩ nhắc lại tuyên bố được Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đưa ra hôm 8/4, đó là hội nghị này chỉ nhằm tập hợp các đối tác của Kiev để xây dựng lộ trình cho các bước tiếp theo nhằm chấm dứt xung đột theo “công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine không có sự thỏa hiệp hay lựa chọn thay thế nào, đồng thời cũng bỏ qua các đề xuất mang tính thiện chí của Trung Quốc, Nam Phi, Brazil và Liên đoàn Ả Rập.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ sắp tới dự kiến sẽ quy tụ đại diện từ 80 đến 100 quốc gia từ khắp nơi trên thế giới tham dự.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng tuyên bố, kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Zelensky nhằm chấm dứt xung đột với Moscow là không thực tế và không thể làm cơ sở cho bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.
Phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh hôm 9/4, ông Lavrov cho biết, Bắc Kinh và Moscow đồng ý rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải tính đến "những lo ngại chính đáng của tất cả các bên liên quan, trên hết là trong lĩnh vực an ninh".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi và các đồng nghiệp Trung Quốc nhất trí rằng tất cả các cuộc đàm phán về hòa bình cho Ukraine trong tương lai sẽ không đạt kết quả nếu không xem xét quan điểm của Nga”.
Ông Lavrov mô tả “công thức hòa bình” của ông Zelensky là một tối hậu thư “hoàn toàn trống rỗng” và “xa rời thực tế”.
Tuần trước, Ngoại trưởng Lavrov ca ngợi sáng kiến hòa bình 12 điểm do Trung Quốc đề xuất hồi tháng 2/2023 là “rõ ràng” và khả thi nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Theo Ngoại trưởng Nga, sáng kiến hòa bình của Bắc Kinh “dựa trên phân tích lý do dẫn đến cuộc xung đột hiện tại và tìm cách loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của sự việc". Kế hoạch kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Ukraine, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, từ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia.
Phía Nga nhiều lần khẳng định sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine, nhưng với điều kiện Kiev và các nước phương Tây phải chấp nhận "thực tế trên thực địa".
Hồi tháng 3 vừa qua, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với RIA Novosti rằng Ukraine nên chấp nhận “thực tế địa chính trị đã thay đổi đáng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Các vùng Kherson, Zaporozhye, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý vào mùa Tphu năm 2022, trong đó đại đa số cư dân địa phương bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập Nga.
Được công bố lần đầu tiên vào tháng 11/2022, “công thức hòa bình” 10 điểm của Tổng thống Zelensky kêu gọi Nga rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi tất cả các vùng lãnh thổ trong biên giới năm 1991 của Ukraine. Kế hoạch hòa bình này cũng buộc Moscow phải chịu trách nhiệm và trả tiền bồi thường, đồng thời bao gồm các điều khoản về lương thực, an toàn hạt nhân, năng lượng, sinh thái và các vấn đề nhân đạo.