Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã gửi một thông điệp tới Nam bán cầu khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Bắc Kinh vào tháng trước: đoàn kết để trở nên mạnh mẽ hơn.
Trung Quốc và Nga đã xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ với phương Tây, và cả hai đều đang hướng về phía Nam bán cầu – các quốc gia đang phát triển chiếm 40% GDP và 80% dân số thế giới.
Trục xoay được các nhà phân tích coi là một xu hướng mạnh mẽ để làm đối trọng trước trật tự thế giới do phương Tây dẫn dắt. Tuy nhiên điều này cũng có thể không mang lại bất kỳ thay đổi thực sự nào vì sự khác biệt giữa lợi ích của Trung Quốc và Nga cũng như sự dè dặt của các quốc gia Nam bán cầu.
Cả Bắc Kinh và Moscow đều đang tận dụng các nền tảng đa phương tập trung vào những quốc gia đang phát triển để mở rộng vai trò của họ trong nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực. Ví dụ, nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi – được coi là giải pháp đối trọng trước G7, với Trung Quốc và Nga là các thành viên sáng lập – năm ngoái đã đón thêm 6 thành viên mới.
Vai kề vai?
Björn Alexander Düben, chuyên gia về Trung Quốc và Nga tại Đại học Cát Lâm ở phía đông bắc Trung Quốc, cho biết đây là một “sự lựa chọn chiến lược hợp lý” để Bắc Kinh và Moscow tăng cường quan hệ với khu vực Nam toàn cầu, đặc biệt kể từ khi chiến sự tại Ukraine khởi phát.
Nga ngày càng tăng cường kết nối thương mại với Trung Quốc kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc đang ở trong tình trạng cạnh tranh gay gắt với Mỹ, và đối mặt với áp lực kinh tế ngày càng tăng cũng như sự răn đe quân sự từ Washington và các đồng minh của nước này.
Vào tháng 4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất “phản công kép” với liên minh do Mỹ đứng đầu nhằm đáp lại “răn đe kép” của các quốc gia phương Tây lên Nga, Trung Quốc. Người đồng cấp Nga, ông Sergey Lavrov, cho biết ông đã đưa ra ý tưởng này trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh và cũng cam kết sẽ “kề vai sát cánh” để bảo vệ một thế giới đa cực.
Trong hội nghị thượng đỉnh tháng trước, ông Tập và ông Putin đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy một thế giới đa cực thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - tổ chức an ninh do Trung Quốc và Nga thành lập năm 2001 – và BRICS. Trung Quốc sẽ đảm nhận chức chủ tịch SCO vào tháng tới trong khi Nga sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh BRICS tiếp theo vào tháng 10.
Theo chuyên gia Düben, “Bắc Kinh và Moscow có thể sẽ tăng gấp đôi trọng tâm chung Trung-Nga này nhằm tăng cường và thể chế hóa mối quan hệ với các quốc gia ở Nam bán cầu trong những tháng tới”.
Tuy nhiên, theo Pan Quang, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, lời kêu gọi đoàn kết khu vực Nam toàn cầu thông qua các nền tảng như BRICS và SCO phần lớn chỉ mang tính biểu tượng.
Ông đưa ra ví dụ về Ngân hàng Phát triển SCO, một ý tưởng do Trung Quốc đề xuất đã vấp phải sự phản đối của Nga vì lo ngại dòng vốn của Trung Quốc tràn vào Trung Á.
Chuyên gia Pan cho biết một thỏa thuận chính thức về tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan chỉ đạt được trong tháng này sau khi bị trì hoãn trong nhiều thập kỷ vì các vấn đề tài chính và sự thiếu nhiệt tình từ Moscow, vốn lo ngại lợi ích kinh tế của nước này có thể bị ảnh hưởng bởi tuyến đường thương mại bị rút ngắn từ Trung Quốc.
Nhưng quan điểm của Nga về tuyến đường sắt dường như đã thay đổi kể từ chiến sự với Ukraine. Ông Putin nói với Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov rằng không phản đối dự án, cũng như ủng hộ cả sáng kiến Vành đai và Con đường.
Chuyên gia Pan nhận định, "hiện nay có nhiều lợi ích chung hơn”, mặc dù cũng nói thêm rằng Bắc Kinh có thể đạt được nhiều lợi ích hơn khi hợp tác với các nền tảng như cơ chế Trung Quốc-Trung Á để xây dựng lòng tin và mối quan hệ với các quốc gia đang phát triển.