Nỗ lực liên lạc giữa hai bên
Trên mạng xã hội Twitter, ông Podolyak nêu rõ: "Các bên (tham gia đàm phán) tích cực bày tỏ lập trường cụ thể của mình. Việc liên lạc giữa hai bên vẫn được tiến hành mặc dù khó khăn”.
Đây là vòng đàm phán thứ tư giữa Ukraine và Nga kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2. Ba cuộc đàm phán trước đó được tổ chức tại Belarus theo hình thức trực tiếp.
Nga vài ngày qua đã mở rộng quy mô không kích sang phía Tây Ukraine, sau hơn hai tuần chỉ tập trung công kích các mục tiêu ở miền Bắc, miền Nam và miền Đông. Trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine bước sang ngày thứ 19, lực lượng Nga cùng dân quân ly khai hiện đã kiểm soát TP Kherson và một số TP nhỏ ở miền Nam, Đông Nam Ukraine, bao vây Mariupol, Kharkov và đang nỗ lực tăng áp lực với các mục tiêu lớn hơn. Moscow cũng cho biết hành lang trên bộ giữa bán đảo Crimea và vùng Donbass đã thông, cho phép lực lượng từ phía Nam hội quân với phe ly khai ở Donetsk. Vùng Donbass ở miền Đông Ukraine, gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk, trong khi Mariupol là TP lớn thứ hai ở Donetsk.
Theo RIA, hành lang này cung cấp tuyến đường chiến lược cho phép quân đội Nga ở Crimea hội quân với lực lượng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cũng như cho phép các lực lượng do Nga hậu thuẫn tiếp cận các TP cảng quan trọng dọc Biển Azov.
Nhiều nước phương Tây cấp tập chuyển vũ khí hiện đại, với hàng nghìn tên lửa chống tăng và phòng không cho Ukraine, chủ yếu qua cửa ngõ ở phía Tây nước này.
Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã phủ nhận thông tin Moscow đề nghị Bắc Kinh hỗ trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine như truyền thông Mỹ cáo buộc. Phía Đại sứ quán khẳng định ưu tiên của Trung Quốc là ngăn căng thẳng ở Ukraine leo thang hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát, do tình hình hiện tại ở Ukraine "thực sự đáng lo ngại". Phía Mỹ cũng đưa ra cảnh báo sẽ có “hậu quả” nếu Bắc Kinh hỗ trợ Moscow né các lệnh trừng phạt.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereschuk chiều 14/3 thông báo sẽ mở 10 hành lang nhân đạo gần thủ đô Kiev và khu vực Lugansk để sơ tán dân thường bị mắc kẹt. Trong diễn biến liên quan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại cuộc chiến ở Ukraine có thể làm trầm trọng thêm đại dịch Covid-19. Theo đó, số ca mắc Covid-19 ở Ukraine đã giảm so với tuần trước, nhưng có nguy cơ số ca bệnh nặng và tử vong sẽ tăng do tỷ lệ tiêm chủng ở nước này thấp. Bên cạnh đó, hơn 2 triệu người dân Ukraine đã rời khỏi đất nước đến các khu vực xung quanh, những nơi cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Khả năng Nga vỡ nợ, giá dầu giảm nhiệt
Chia sẻ trên Đài CBS, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đề cập khả năng Nga có thể vỡ nợ do các lệnh trừng phạt. Việc cấm vận ảnh hưởng nghiêm trọng lên kinh tế Nga khiến nước này có thể rơi vào suy thoái sâu. Tuy nhiên bà cũng bác bỏ khả năng các lệnh trừng phạt gây ra suy thoái toàn cầu.
Tính đến ngày 14/3, hơn một nửa nguồn dự trữ ngoại hối và vàng của Ngân hàng T.Ư Nga bị đóng băng do các biện pháp trừng phạt. Hãng tin TASS dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov xác nhận 300 tỷ trong số khoản dự trữ tổng cộng 640 tỷ USD của nước này đang không thể sử dụng. Đáp lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cùng ngày tuyên bố Moscow sẽ không thay đổi đường lối trước các lệnh trừng phạt "bất hợp pháp và vô tác dụng" của phương Tây. Trước đó, Nga khẳng định đã lường trước sự trừng phạt và có sự chuẩn bị.
Tuy nhiên, trước tuyên bố có phần “lạc quan chưa từng thấy” về khả năng đàm phán giữa Ukraine và Nga từ giới chức hai nước, giá dầu thế giới đã giảm khi bắt đầu phiên giao dịch ngày hôm qua. Giá dầu Brent giao sau giảm 1,82 USD (tương đương 1,6%), xuống còn 110,85 USD/thùng vào lúc 6 giờ 47 phút ngày 14/3 (giờ Việt Nam). Dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao sau giảm 2,41 USD (tương đương 2,2%), xuống còn 106,92 USD/thùng.