Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga: Ukraine “đặt dấu chấm hết" cho đàm phán hòa bình kết thúc xung đột

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ Nga tại Belarus nói rằng việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky giải tán nhóm đàm phán về tình hình miền Đông đã "đặt dấu chấm hết" cho việc giải quyết xung đột với Moscow thông qua đàm phán.

Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov. Ảnh: Tass
Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov. Ảnh: Tass

"Với tuyên bố và sắc lệnh của mình, Tổng thống Zelensky đã đặt dấu chấm hết không chỉ quá trình đàm phán mà còn khép lại cơ hội giải quyết cuộc xung đột hiện tại thông qua đàm phán, lựa chọn xung đột hơn là ngoại giao," Pravda dẫn tuyên bố của Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov, người dẫn đầu phái đoàn Nga tham gia các cuộc đàm phán của Nhóm Liên lạc Ba bên (TCG), hôm 2/9 cho biết.

Đại sứ Gryzlov lưu ý thêm rằng Nga không thể đạt được thỏa thuận với chính phủ hiện tại của Ukraine "không chỉ vì quan điểm của chính quyền Kiev thiếu nhất quán, mà còn do các quan chức tham gia đàm phán thiếu quyết đoán".

"Với những nhà đàm phán thiếu quyết đoán như vậy, Nga không có gì để đàm phán. Chúng tôi sẽ đồng ý khi tất cả các điều kiện cần thiết được tạo ra, cũng như đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt," nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Tuyên bố trên được Đại sứ Gryzlov đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Zelensky quyết định giải tán phái bộ nước này tại Nhóm Liên lạc Ba bên nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho khu vực miền Đông Ukraine.

Tass đưa tin, trang web của Tổng thống Zelensky ngày 1/9 thông báo rằng: "Sắc lệnh số 167/2020 của Tổng thống Ukraine ngày 5/5/2020 về việc phái đoàn Ukraine tham gia Nhóm liên lạc ba bên sẽ trở nên vô hiệu".

Ông Zelensky đồng thời bãi bỏ 6 sắc lệnh của ông trong giai đoạn 2020-2021 về hoạt động của phái đoàn Ukraine tại Nhóm liên lạc và thành phần của phái đoàn. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Nhóm Liên lạc Ba bên, với sự tham gia của đại diện Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), được thành lập vào năm 2014 nhằm thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Minsk - các thỏa thuận về tiến trình hòa bình cho vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

Theo cáo buộc từ phía Nga, quá trình đàm phán đã bị đình trệ vì Ukraine từ chối thực thi "các điều khoản chính trị" của Thỏa thuận hòa bình Minsk.

Các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine thông qua đàm phán hòa bình hiện đang bế tắc khi hai bên không tìm được tiếng nói chung. Tại vòng đàm phán hồi tháng 3 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Kiev đã đề xuất một thỏa thuận về các cam kết an ninh dành cho Ukraine, đổi lại nước này sẽ chấp nhận trung lập. Tuy nhiên, giới chức Nga sau đó cáo buộc Ukraine rút lại các đề xuất ban đầu.

Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk. Trong khi đó, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ.