Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga, Ukraine ký tiếp Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới cảnh báo thế giới đối mặt thảm họa nếu Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen không được tiếp tục kéo dài sau khi hết hạn vào ngày 18/3 tới.

Ông David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Ảnh: AP
Ông David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Ảnh: AP

Ông David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) - một tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ), ngày 5/3 tuyên bố rằng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen phải được gia hạn bằng bất cứ giá nào. “Thế giới sẽ đối mặt với một thảm họa nghiêm trọng nếu chúng ta không xem xét gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” - ông Beasley viết trên trang Twitter.

Theo quan chức WFP, nhờ việc thực hiện thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, 36 triệu người trên toàn thế giới đã tránh được nguy cơ thiếu lương thực. Ông nhấn mạnh: “Với tất cả các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt trên khắp thế giới như biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ quét, chúng ta không thể để Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen thất bại. Thế giới đang bị đe dọa".

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian và được Nga và Ukraine ký hồi tháng 7/2022, nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu. Thỏa thuận đã được gia hạn hồi tháng 11/2022 và sẽ hết hạn vào ngày 18/3 nếu không tiếp tục được gia hạn.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara đang nỗ lực tìm cách gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sắp hết hạn vào 18/3 tới.

Phát biểu tại “Hội nghị LHQ về các quốc gia kém phát triển nhất” được tổ chức tại Doha (Qatar), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, Ankara đang nỗ lực để thỏa thuận được triển khai suôn sẻ và tiếp tục được gia hạn. Ông Cavusoglu cũng cho biết đã thảo luận với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres về các nỗ lực nhằm giúp thỏa thuận được gia hạn.

Gần đây, Nga đã đưa ra tín hiệu không hài lòng với một số khía cạnh của thỏa thuận và yêu cầu gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của nước này.

Hồi đầu tháng 3 này, Bộ Ngoại giao Nga thông báo sẽ chỉ nhất trí gia hạn thỏa thuận ngũ cốc nếu lợi ích của các nhà sản xuất nông nghiệp nước này được tính đến. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, xuất khẩu nông sản của Nga vẫn bị cản trở, trong khi các lô phân bón miễn phí của nước này, trong đó có lô dành cho châu Phi, cũng bị phong tỏa tại các cảng ở châu Âu. Tuy nhiên, đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã phủ nhận điều này.