Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga úp mở khả năng đặt vũ khí hạt nhân ở một nước khác

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Không có gì bất thường ở đây cả: thứ nhất, Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các nước đồng minh", ông Putin cho biết.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 25/3 cho biết Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus, đánh dấu lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1990, Moscow sẽ bố trí những vũ khí như vậy bên ngoài đất nước.

Ông Putin đưa ra thông báo vào thời điểm căng thẳng gia tăng với phương Tây về cuộc chiến Ukraine trong cảnh những suy đoán về khả năng tấn công hạt nhân xảy ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko quan sát cuộc huấn luyện phóng tên lửa đạn đạo trong khuôn khổ cuộc tập trận của lực lượng răn đe chiến lược, tại Moscow, Nga ngày 19/2/2022. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko quan sát cuộc huấn luyện phóng tên lửa đạn đạo trong khuôn khổ cuộc tập trận của lực lượng răn đe chiến lược, tại Moscow, Nga ngày 19/2/2022. Ảnh: Reuters

Mỹ - siêu cường hạt nhân khác của thế giới - đã phản ứng thận trọng. Một quan chức chính quyền cấp cao lưu ý rằng Nga và Belarus đã đề cập tới một thỏa thuận như vậy trong năm qua và cho biết chưa có dấu hiệu Moscow có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Vũ khí hạt nhân "chiến thuật" là những vũ khí được sử dụng cho những lợi ích cụ thể trên chiến trường hơn là những vũ khí có khả năng quét sạch các thành phố.

Là một phần của thỏa thuận do ông Putin công bố, Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trước ngày 1/ 7.

"Chúng tôi không bàn giao (vũ khí). Và Mỹ không bàn giao (chúng) cho các đồng minh. Về cơ bản, chúng tôi đang làm điều tương tự mà họ đã làm trong một thập kỷ qua", ông Putin nói.

Ông Putin nói với truyền hình nhà nước rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

"Không có gì bất thường ở đây cả: thứ nhất, Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các nước đồng minh," ông Putin khẳng định.

"Chúng tôi đã nhất trí sẽ làm như vậy - tôi nhấn mạnh việc này không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của Nga về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân."

Quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ lưu ý rằng Moscow và Minsk đã thảo luận về việc chuyển giao vũ khí hạt nhân trong một thời gian.

Ông Putin không nói rõ thời điểm số vũ khí này sẽ được chuyển tới Belarus, quốc gia có biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia.

Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân thuộc Liên đoàn khoa học Mỹ cho biết: “Đây là một phần trong trò chơi của ông Putin nhằm uy hiếp NATO… không có lợi ích quân sự nào khi làm điều này ở Belarus vì Nga có rất nhiều vũ khí và lực lượng này bên trong nước Nga”. 

Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân đã tố cáo "sự leo thang cực kỳ nguy hiểm".

"Trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, khả năng tính toán sai hoặc giải thích sai là rất cao. Chia sẻ vũ khí hạt nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều và có nguy cơ gây ra những hậu quả nhân đạo thảm khốc," Chiến dịch khẳng định trên Twitter.

Nga và Belarus có mối quan hệ quân sự thân thiết. Minsk đã cho phép Moscow đi qua lãnh thổ của Belarus để đưa quân vào Ukraine năm ngoái. Tháng 1/2023, hai quốc gia đã tăng cường huấn luyện quân sự chung.

Kiev khẳng định họ không thể loại trừ một cuộc tấn công từ Belarus, nhưng hiện tại không có đủ lực lượng để tấn công và Tổng thống Belarus Lukashenko muốn quân đội của mình đứng ngoài cuộc chiến bất chấp áp lực từ Moscow.

Nga đã triển khai 10 máy bay ở Belarus có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, ông Putin cho biết thêm rằng Moscow đã chuyển giao cho Belarus một số hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có thể phóng vũ khí hạt nhân.