Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga vẫn đứng vững sau các lệnh trừng phạt?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 1 năm trừng phạt kinh tế đối với Nga, phương Tây dường như không thu được kết quả gì khi đời sống người dân nước này vẫn không thay đổi bao nhiêu so với trước chiến tranh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp ở điện Kremlin, Moscow vào ngày 22/12/2022. Nguồn: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp ở điện Kremlin, Moscow vào ngày 22/12/2022. Nguồn: AP

Không hề xuất hiện tình trạng thất nghiệp hàng loạt, sụt giảm tiền tệ hay doanh nghiệp phá sản. Siêu thị vẫn tồn tại, thương hiệu quốc tế vẫn xuất hiện và các sản phẩm nội địa vẫn phát triển.

Nền kinh tế Nga đã đứng vững trước các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của phương Tây. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt nhắm vào nguồn thu nhập chính của Nga là dầu mỏ liệu có đẩy điện Kremlin vào thế khó?

Các nhà kinh tế cho rằng những biện pháp trừng phạt nhắm vào dầu mỏ của Nga chỉ mới bắt đầu phát huy tác dụng. Chẳng hạn như việc áp trần giá dầu là nhằm hạn chế nguồn viện trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Theo họ, trong tháng tới, nước này sẽ vấp phải nhiều khó khăn tài chính hoặc mất giá đồng tiền. 

Tuy nhiên, một số khác cho biết Nga có nguồn dự trữ tiền đáng kể chưa bị trừng phạt, đồng thời những mối liên kết với các đối tác mới ở châu Á đã nhanh chóng hình thành. Điều này sẽ khiến cho Nga không bị cạn kiệt tiền trong năm nay.

Mặc dù phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, người Nga không gặp trở ngại gì trong việc mua sắm. Tuy Apple đã ngừng bán sản phẩm ở nước này nhưng Wildberries vẫn cung cấp iPhone 14 với mức giá tương đương ở châu Âu. Đồ nội thất và hàng gia dụng còn lại sau khi IKEA rời khỏi Nga đang được bán tháo trên trang web Yandex. 

Bên cạnh đó, hàng hóa thoát khỏi các lệnh trừng phạt thông qua nhập khẩu từ các nước thứ ba không chống Nga. Ví dụ, xuất khẩu của Armenia sang Nga đã tăng 49% trong nửa đầu năm 2022.  Ngoài ra, điện thoại thông minh Trung Quốc ngày càng tràn ngập thị trường “xứ sở Bạch Dương”.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt với những rào cản lớn hơn. Các nhà sản xuất ô tô phương Tây, bao gồm Renault, Volkswagen và Mercedes-Benz, đã ngừng sản xuất, với doanh số bán hàng giảm 63%.

Trong khi 191 công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga và 1.169 công ty chuẩn bị thì vẫn còn khoảng 1.223 công ty tiếp tục ở lại và 496 thì vẫn đang xem xét, theo số liệu củaTrường Kinh tế Kiev.

Các công ty đang phải đối mặt với áp lực dư luận từ Kiev và Washington, nhưng một số nhận thấy không dễ gì từ chối được khoản lợi nhuận có thể thu được từ người Nga.

Ngoài ra, kinh tế Nga phục hồi phần lớn dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Năm ngoái, thu nhập từ nhiên liệu hóa thạch của nước này đã đạt con số kỷ lục là 325 tỷ USD khi giá cả của mặt hàng này tăng chóng mặt. 

Doanh thu đó cùng với việc nhập khẩu của Nga giảm do các lệnh trừng phạt đã mang lại thặng dư thương mại kỷ lục cho nước này.

Ngoài ra điều này cũng giúp củng cố đồng rúp sau sự suy yếu tạm thời do chiến sự.

Điện Kremlin đã tìm cách xoay xở để chống lại các lệnh trừng phạt kinh tế sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Các công ty bắt đầu tìm nguồn cung ứng hàng hóa và thực phẩm trong nước, còn chính phủ đã tích lũy được lượng lớn tiền mặt từ bán dầu và khí đốt. 

Những biện pháp này đã giúp hạn chế mức sụt giảm kinh tế được dự đoán trước đó. Nền kinh tế chỉ giảm 2,1% vào năm ngoái - theo cơ quan thống kê của Nga. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán kinh tế Nga có mức tăng trưởng 0,3% trong năm nay - tuy không cao nhưng không đến nỗi nào.