Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga vẫn vững vàng trước bão trừng phạt của phương Tây

Thu Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga đã vô hiệu hóa hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đến mức lãnh đạo thế giới còn phải thán phục.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Tass
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Tass

Ngày 3/2, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết Moscow đã hạn chế tối đa những tác động từ hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế “mạnh chưa từng có” của các nước phương Tây.

"Tôi thừa nhận rằng người Nga đã đối phó với các biện pháp trừng phạt kinh tế tốt hơn bất kỳ dự báo nào từ phương Tây, mặc đó là những lệnh cấm vận mạnh nhất từ trước đến nay” - Tass dẫn tuyên bố của Tổng thống Vucic.

Theo ông, Nga đã đối phó một cách hiệu quả các biện pháp trừng phạt tiền tệ từ phương Tây. Ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với khả năng lãnh đạo của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina.

Đồng thời, Tổng thống Vucic cũng chỉ rõ sai lầm chính trị lớn nhất của phương Tây trong xung đột ở Ukraine

Theo đài RT, Tổng thống Serbia cho rằng quyết định cung cấp xe tăng cho Ukraine, đặc biệt là những chiếc Leopard 2 của Đức, là sai lầm chính trị lớn nhất của phương Tây vì động thái này không khác gì giúp người Nga đoàn kết hơn bao giờ hết.

Hồi tháng 1 vừa qua, Đức và Mỹ đã đồng ý cung cấp một số xe tăng hạng nặng cho Ukraine. Mỹ đã cam kết cung cấp từ 30 đến 50 xe tăng M1 Abrams, còn Đức cam kết cung cấp 14 chiếc Leopard 2A6 từ kho dự trữ. Đức cho biết thêm, 51 chiếc cùng mẫu và 88 chiếc Leopard 1 cũ hơn cũng có thể được tập đoàn Rheinmetall cung cấp sau khi tân trang.

Đức còn bật đèn xanh cho các quốc gia muốn đưa xe tăng Leopard sang Ukraine. Các nước này gồm Ba Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha, Na Uy và Hà Lan. Anh và Canada cũng cho biết họ sẽ gửi xe tăng tới Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine ở Kiev hôm 3/2, khối này cũng cam kết tiếp tục trừng phạt Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết gói trừng phạt thứ 10 của EU đối với Nga sẽ nhắm vào thương mại và công nghệ của nước này. Bà cho biết, 9 gói trừng phạt đang có hiệu lực, và gói thứ 10 đang được triển khai. 

Nhiều khả năng các nước EU sẽ thông báo gói trừng phạt thứ 10 vào thời điểm tròn 1 năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trong cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị EU sử dụng các biện pháp trừng phạt để ngăn Nga củng cố lực lượng quân sự. 

Trong khi đó, 27 quốc gia EU đã thống nhất áp mức giá trần với dầu Nga là 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp và mức 45 USD/thùng với sản phẩm giá rẻ. Đề xuất trên sẽ có hiệu lực từ ngày 5/2.

Thụy Điển khẳng định đây là một thỏa thuận quan trọng và là một phần trong các nỗ lực tiếp theo của EU và các đối tác nhằm gây sức ép lên cuộc chiến của Nga tại Ukraine.