Nga "vô hiệu hóa" các lệnh trừng phạt của phương Tây?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lĩnh vực ngoại thương của Nga gần như trở lại mức trước xung đột ở Ukraine, trong khi Qũy tiền tệ Quốc tế nâng mức dự báo tăng trưởng của nước này.

Phương Tây thất bại trong chính sách gây áp lực kinh tế chống Nga

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 31/1 cho biết các lệnh trừng phạt nghiêm trọng của phương Tây nhằm vào Moscow đã thất bại vì chúng không thể khiến nền kinh tế Nga trở nên bất ổn.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Tass
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Tass

"Những quốc gia không thân thiện với Nga không dám thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có chống Moscow đã thất bại. Nhiều lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga không hiệu quả" - Tass dẫn tuyên bố được ông Medvedev viết trên kênh Telegram hôm 31/1.

Theo ông, Nga đã thay thế hàng hóa công nghiệp và tiêu dùng của phương Tây bằng hàng nội địa và nhập từ châu Á.

Vào tháng 11 năm ngoái, Bộ Tài chính Nga cũng tin rằng, những giải pháp mà cơ quan này đưa ra đã đối phó hiệu quả với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong một diễn biến liên quan, truyền thông Mỹ hôm thứ Ba đưa tin kinh tế Nga đã phục hồi tốt bất chấp cấm vận của phương Tây.

Báo New York Times của Mỹ hôm thứ Ba cho biết, hoạt động ngoại thương của Nga đã trở lại mức trước khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022.

Tờ báo nêu rõ: "Thương mại của Nga dường như đã phục hồi ngang bằng với mốc trước thời điểm nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các nhà phân tích ước tính nhập khẩu của Nga có thể đã phục hồi về mức trước chiến sự hoặc chỉ trong thời gian ngắn nữa".

Theo chuyên gia kinh tế Matthew Klein - tác giả của cuốn sách “Chiến tranh thương mại là chiến tranh giai cấp”, giá trị xuất khẩu toàn cầu sang Nga trong tháng 11/2022 chỉ thấp hơn 15% so với mức trung bình hàng tháng trước thời điểm nổ ra xung đột quân sự Nga-Ukraine. Ông Klein nhận định rằng lượng hàng hóa xuất khẩu toàn cầu sang Nga có thể sẽ phục hồi hoàn toàn vào tháng 12/2022.

Theo báo Mỹ, nhiều quốc gia đã gặp khó khăn trong việc cắt đứt hoặc giảm bớt quan hệ thương mại với Nga. Nghiên cứu mới nhất cho thấy ít hơn 9% các công ty có trụ sở tại Liên minh châu Âu và Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã thoái vốn khỏi một trong các công ty con của họ ở Nga.

New York Times nhận định, các chỉ số về nền kinh tế Nga trong thời gian qua đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Moscow.

Tờ báo nhấn mạnh: Nhiều nước đã gặp khó khăn trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng và hàng hóa cơ bản khác của Nga. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã có các biện pháp đảm bảo giá trị của đồng ruble và giữ cho thị trường tài chính ổn định.

IMF nâng dự báo kinh tế Nga

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm nay. Theo đó, nền kinh tế Nga có thể tăng trưởng 0,3% trong năm 2023, trong khi dự báo trước đó là suy giảm 2,3%.

IMF dự báo GDP của Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, so với ước 2,3% trước đó. Ảnh: RT
IMF dự báo GDP của Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, so với ước 2,3% trước đó. Ảnh: RT

Theo bản cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới được IMF công bố ngày 31/1, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2022 giảm 2,2%, khả quan hơn so với dự báo trước đó. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới đưa ra hồi tháng 10/2022, IMF dự báo kinh tế Nga sẽ giảm khoảng 3,4%.

Theo dự báo của IMF, xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn sẽ tăng mạnh bất chấp việc áp trần giá của phương Tây. Đáng chú ý, Moscow chuyển hướng giao dịch thương mại sang các quốc gia chưa áp lệnh trừng phạt.

Cùng ngày, thông cáo của Bộ Phát triển Kinh tế Nga nêu rõ: “Nền kinh tế Nga đang tự tin vượt qua hàng rào trừng phạt của các quốc gia không thân thiện. Trong năm 2023, kinh tế Nga chắc chắn sẽ phục hồi nhờ cầu tiêu dùng ổn định cùng với các biện pháp đảm bảo tăng trưởng của chính phủ”.

Trước đó, ngày 15/1, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá tình hình kinh tế nước này ổn định, với những chỉ số đạt được không chỉ tốt hơn dự báo mà còn vượt kỳ vọng của các lãnh đạo. Ông nêu rõ tỷ lệ thất nghiệp - một trong những chỉ số kinh tế vĩ mô chính của nước này, đang ở mức thấp lịch sử, trong khi lạm phát thấp hơn dự báo và có xu hướng giảm. Do đó, ông Putin cho rằng đến cuối quý I/2023, lạm phát có thể giảm xuống gần 5% so với mức 11,9% hiện tại.