Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn đuối nước trẻ em, chuyện không thể lơ là

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mặc dù có không ít khuyến cáo, cảnh báo, nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước, dẫn đến cái chết thương tâm cho trẻ em, gây mất mát lớn cho gia đình và xã hội.

Khoảng 20 - 25% trẻ em biết bơi

Từ tháng 4/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tục xảy ra các trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước.

Điển hình như vụ đuối nước khiến 3 em tử vong vào ngày 29/3 ở xã Bình Khương (huyện Bình Sơn). Theo đó, khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, 3 cháu nhỏ, gồm: Trần Nguyễn Thiên B. (12 tuổi), Trần Nguyễn Thiên H. (5 tuổi) và Cao Trần Cẩm T. (8 tuổi, cùng ở thôn Tây Phước, xã Bình Khương) đến đập Phước Hòa (thôn Tây Phước) chơi thì vô tình bị trượt chân rơi xuống đập dẫn đến bị đuối nước tử vong.

Hoặc như mới đây, vào ngày 26/5, trong lúc đi tắm biển tại bãi tắm Thiên Đàng (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn), bé trai 8 tuổi cùng với mẹ bị nước cuốn ra xa. Người mẹ may mắn được cứu sống, còn bé trai bị đuối nước tử vong.

Khu vực bãi tắm Thiên Đàng.
Khu vực bãi tắm Thiên Đàng.

Theo thống kê, ở nước ta hàng năm có trên 2.000 người chết vì đuối nước, trong đó tập trung là ở lứa tuổi vị thành niên và trẻ em, tỷ suất cao nhất so với khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển.

Riêng tỉnh Quảng Ngãi, mỗi năm có khoảng từ 15-25 trẻ em trở lên chết vì tai nạn đuối nước. Nguyên nhân là do nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng, chống tai nạn đuối nước còn hạn chế. Trẻ em thiếu các kỹ năng bơi lội, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Toàn tỉnh chỉ có khoảng 20 - 25% trẻ em biết bơi
Toàn tỉnh chỉ có khoảng 20 - 25% trẻ em biết bơi

Hơn 50% các trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối, biển... khi không có người lớn đi kèm. Trong khi đó, toàn tỉnh chỉ có khoảng 20 - 25% trẻ em biết bơi. 

Cần sự vào cuộc tích cực

Trưởng phòng Trẻ em- Bình đẳng giới và Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động- Thương bình và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi) Phạm Thị Hương cho biết, thời gian qua, sở đã có nhiều văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và địa phương trong tỉnh quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Các đơn vị ký kết kế hoạch phối hợp kế hoạch liên ngành về công tác phòng chống đuối nước trẻ em.
Các đơn vị ký kết kế hoạch phối hợp kế hoạch liên ngành về công tác phòng chống đuối nước trẻ em.

Mới đây, sở cũng tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp liên ngành, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2030. Qua đó, tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp của các sở, ngành, đoàn thể có liên quan trong việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, đảm bảo xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện đối với trẻ em và giảm thiểu tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước gây ra.

Dù vậy, để phòng, chống đuối nước trẻ em một cách hiệu quả, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức, kỹ năng tự bảo vệ của gia đình và chính các em. Trong đó, trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em là điều vô cùng cần thiết.

Khi trẻ biết bơi, không những nguy cơ đuối nước giảm đi đáng kể, mà nếu được dạy những thao tác cứu đuối bài bản, đúng kỹ thuật, một đứa trẻ biết bơi còn có thể tự xử lý tình huống trong những trường hợp khẩn cấp.

Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, hiện nay, ngoài nguyên nhân tỷ lệ trẻ em biết bơi và có kỹ năng an toàn dưới nước ở trên địa bàn các xã còn thấp và sự thiếu giám sát của người lớn, để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm (như sông, suối, ao, hồ...), thì môi trường sống chưa an toàn ngay trong từng gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Cụ thể, như các hố bom, giếng cạn, các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm…

Theo ông Dũng, để chung tay phòng chống đuối nước và hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, sở vừa tổ chức lễ “Phát động toàn dân luyện tập môn bơi, phòng chống đuối nước trẻ em tỉnh Quảng Ngãi năm 2023”.

Thông qua đó, tuyên truyền, vận động trẻ em tích cực tập luyện thể dục, thể thao, vui chơi giải trí nhằm nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống, phát triển toàn diện và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em…

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, để bảo đảm an toàn cho trẻ em; thực hiện việc rà soát, cải tạo, sửa chữa những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước.

Đồng thời, đẩy mạnh việc dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học, triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi trong trường học từ đó nhân rộng trong toàn tỉnh; xây dựng các mô hình “Trường học an toàn”, “Mùa hè an toàn”, “Nhà trẻ mẫu giáo an toàn” để phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.