Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn “dòng lũ” giáo viên nghỉ việc

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, trên báo chí cũng như nghị trường Quốc hội, đang nóng lên vấn đề giáo viên nghỉ việc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ tính riêng đầu năm 2022 đến nay, có 16.000 giáo viên xin nghỉ việc. Đáng lo là, trong khi đó, cả nước hiện đang thiếu hơn 100.000 giáo viên; riêng năm 2022, các địa phương đang cần tuyển thêm 22.000 giáo viên. Như vậy, số lượng giáo viên đã thiếu nay lại còn thiếu hơn.

Tương tự với lĩnh vực y tế, số giáo viên xin nghỉ việc có lý do dễ thấy, ai cũng biết, đó là thu nhập quá thấp so với nhu cầu và tình hình chung của xã hội. Giáo viên mới ra trường lương chỉ 3 triệu đồng, hơn 10 năm trong nghề cũng chỉ độ 6 triệu đồng/tháng… Có tờ báo còn so sánh một cách đáng buồn là lương giáo viên trung bình chỉ bằng thợ hồ làm trong 10 ngày. Đây là so sánh khập khiễng, vì mỗi nghề có tính chất riêng, nhưng cũng đáng suy ngẫm. Thực tế, đã có người thầy ngoài giờ lên lớp còn phải đi làm phụ hồ những lúc rảnh rỗi.

Suy ngẫm là vì, nghề giáo viên, như từ xưa đến nay được xã hội công nhận là nghề cao quý. Lẽ ra, người thầy khi đi dạy không phải lo gì về tiền bạc, chỉ tập trung sức lực, trí tuệ để truyền thụ cho lớp trẻ. Vậy mà, họ ngoài bao nhiêu công việc bề bộn trong nhà trường còn phải tìm kế mưu sinh.

Như đã nói, thu nhập thấp là nguyên nhân chủ yếu khiến giáo viên nghỉ việc là điều ai cũng thấy. Cũng đã có nhiều kiến nghị về nâng lương cho giáo viên.

Tuy nhiên, bên cạnh lương, chúng tôi mong muốn rằng, Nhà nước nên giải phóng sức lao động cho giáo viên, để họ tập trung cho chuyên môn. Trong nhà trường, giáo viên ngoài việc phải lo giảng dạy còn vô số việc không tên khác. Điều quan trọng nữa, giáo viên khi học trong trường sư phạm là đã được đào tạo khá toàn diện về kiến thức, về kỹ năng, nhưng trên thực tế làm việc còn phải bổ sung đủ thứ chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ… để đạt chuẩn, để được nâng lương. Một giáo viên than khổ: “Dạy ngoại ngữ thì đã có giáo viên ngoại ngữ, tôi dạy toán thì không biết cần chứng chỉ ngoại ngữ để làm gì. Khi tốt nghiệp đại học thì tôi cũng đã có chứng chỉ ngoại ngữ rồi”.

Bên cạnh việc lấy chứng chỉ là việc họ phải bỏ ra số tiền không nhỏ để học và thi. Những yêu cầu này với giáo viên chỉ để làm “béo” các trung tâm tổ chức dạy và thi lấy chứng chỉ, kể cả các loại bằng cấp sang trọng như thạc sĩ (yêu cầu với cấp quản lý hiệu phó, hiệu trưởng).

Mới đây, ngồi trong quán cắt tóc, chủ quán khoe con anh vừa đậu Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh nói: “Con tôi thích nghề dạy học từ nhỏ. Gia đình thích vì cháu không phải đóng học phí mà còn có học bổng”.

Vâng trong xã hội, rất nhiều người yêu nghề dạy học, không phải vì lương thấp mà họ sẽ dứt bỏ nghề.

Thế nhưng, hãy nuôi dưỡng lòng yêu nghề của họ, chẳng hạn như ưu tiên cho những sinh viên ngành sư phạm nhiều hơn nữa; ưu đãi về lương, phụ cấp cho các nhà giáo trước hết là đủ trang trải cuộc sống thường nhật. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách đối với người giáo viên cần hướng tới giúp họ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn trong việc dạy học, không gây khó khăn cho họ.