Ngân hàng Mỹ cảnh báo sốc về giá dầu thế giới

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Mỹ Godman Sachs cảnh báo, giá dầu thô toàn cầu sẽ tăng gấp đôi nếu tuyến đường vận tải qua Eo biển Hormuz tiếp tục bị gián đoạn do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen.

Lực lượng Houthi trong những tuần gần đây đã tiến hành ngăn chặn vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ. Ảnh: RT
Lực lượng Houthi trong những tuần gần đây đã tiến hành ngăn chặn vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ. Ảnh: RT

Giới chuyên gia nhận định, tình trạng bất ổn tại Biển Đỏ kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường năng lượng toàn cầu.

Trong bài trả lời phỏng vấn đài CNBC cuối tuần trước, ông Daan Struyven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, cho biết giá dầu thế giới sẽ tăng gấp đôi nếu tuyến đường vận tải qua Eo biển Hormuz tiếp tục bị gián đoạn do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen.

Chuyên gia Struyven cảnh báo: “Trường hợp tình hình giao thương qua Eo biển Hormuz bị gián đoạn trong một tháng, giá dầu sẽ tăng 20%. Và nếu tình trạng này kéo dài, con số này còn có thể tăng gấp đôi”.

Tuy nhiên, chuyên gia Struyven và một số nhà phân tích năng lượng khác cho rằng kịch bản sốc này rất khó xảy ra.

Trên thực tế, lực lượng Houthi trong những tuần gần đây đã tiến hành ngăn chặn vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ và tiếp tục tấn công các tàu hàng sau khi cuộc xung đột Israel-Hamas leo thang ở Gaza.

Houthi tuyên bố họ nhắm mục tiêu vào các tàu được cho là có liên hệ với Israel để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine. Kể từ ngày 19/12/2023, Houthi đã phóng tên lửa ít nhất 20 lần để phản ứng trước xung đột giữa Israel và Hamas.

Để tránh các cuộc tấn công được tiến hành bởi phiến quân Houthi ở Yemen tại Biển Đỏ, các hãng vận tải biển đã phải di chuyển vòng qua Mũi Hảo Vọng ở miền nam châu Phi. Biển Đỏ là một tuyến biển quan trọng nối châu Á và châu Âu và tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 12% thương mại toàn cầu.

Việc chuyển hướng tàu đi qua kênh đào Suez và Biển Đỏ khiến năng lực vận tải bị ảnh hưởng, vì hải trình đi qua Mũi Hảo Vọng khiến chuyến đi hai chiều kéo dài thêm từ 2-4 tuần, đồng thời  kéo theo chi phí vận chuyển tăng vọt.

Trong khi đó, ngân hàng Bank of America (BofA) của Mỹ mới đây cũng dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục biến động trong năm nay do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố căng thẳng địa chính trị, cũng như chính sách sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (còn gọi là nhóm OPEC+). Liên minh OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng khoảng 6 triệu thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 6% nguồn cung toàn cầu.

Giá dầu tăng mạnh do căng thẳng tại Trung Đông

Giá dầu Brent và WTI vừa ghi nhận chiều tăng đầu tiên trong năm nay khi thị trường ngày càng lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng tại Biển Đỏ.

Giá dầu vừa có tuần tăng đầu tiên trong năm nay. Ảnh: AP
Giá dầu vừa có tuần tăng đầu tiên trong năm nay. Ảnh: AP

Cụ thể, chốt phiên cuối tuần trước, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 1,17 USD, tương đương 1,51%, ở mức 78,76 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cũng leo dốc 1,62 USD, tương đương 2,24%, lên 73,81 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng dầu đều phục hồi mạnh sau khi giảm trong phiên trước đó khi báo cáo cho thấy dự trữ xăng và nhiên liệu tại Mỹ tăng mạnh.

Chuyên gia phân tích Tamas Varga của PVM nhận định với Reuters: “Đà phục hồi của giá dầu trong tuần này là lời nhắc nhở về rủi ro bắt nguồn từ căng thẳng ngày càng tăng ở Trung Đông”.

Theo hãng tin Reuters, “ông lớn” vận tải biển Maersk hôm 7/1 cho biết họ sẽ chuyển hướng tất cả các tàu ra khỏi Biển Đỏ trong tương lai gần, đồng thời cảnh báo khách hàng về sự gián đoạn vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa mỏ dầu lớn nhất ở Libya do biểu tình trong tuần trước cũng hỗ trợ giá “vàng đen”. Sản lượng dầu tại mỏ này đạt khoảng 300.000 thùng/ngày.

Các nhà giao dịch nhiên liệu đang theo dõi sát sao dữ liệu kinh tế vĩ mô để dự đoán thời điểm nhiều ngân hàng trung ương lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất, vì lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và dẫn đến nhu cầu dầu cao hơn.

Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng trong tháng 12/2023 và khó có thể hạ nhiệt trong tháng 1/2024, điều này sẽ giảm bớt áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu hạ lãi suất.

Biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng lạm phát đang được kiếm soát và lo ngại ngày càng tăng về rủi ro mà chính sách tiền tệ “thắt chặt quá mức” có thể gây ra cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.