Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Thế giới dự báo bất ngờ về kinh tế Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng thế giới dự báo GDP thực tế của Nga sẽ chuyển biến tích cực trong năm 2024, bất chấp tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

WB dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: AP
WB dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: AP

Nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp các lệnh trừng phạt nhờ doanh thu từ năng lượng cao hơn dự kiến, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.

Chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga dự kiến sẽ chuyển biến tích cực vào năm 2024, dù ở mức khiêm tốn 1,2%. “Sự thay đổi này chủ yếu phản ánh khả năng phục hồi bất ngờ của sản xuất dầu mỏ và đà tăng trưởng cao hơn dự kiến từ năm 2022” - đài RT dẫn báo cáo của WB.

Theo các chuyên gia của WB, trong nỗ lực đối phó lệnh cấm vận của phương Tây, Moscow đã chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các quốc gia “thân thiện”, nhờ đó duy trì khối lượng xuất khẩu nhiên liệu. “Biện pháp áp trần giá ở mức 60 USD/thùng do G7 và một số nước phương Tây áp đặt đối với dầu Nga không tác động nhiều đến lĩnh vực xuất khẩu dầu thô của Moscow,” báo cáo của các chuyên gia WB cho hay.

Tuy nhiên, tổ chức có trụ sở tại Washington DC (Mỹ) cảnh báo rằng khối lượng xuất khẩu có xu hướng giảm và nhu cầu trong nước yếu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Nga. 

Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận định nền kinh tế Nga vững vàng trước lệnh trừng phạt hơn dự kiến. IMF cũng dự đoán GDP của Nga sẽ tăng 0,7% trong năm nay, ngang bằng với Pháp.

Về phần mình, chính phủ Nga vẫn duy trì quan điểm tích cực với nền kinh tế. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin dự đoán rằng, đến năm 2024, nền kinh tế Nga có thể vượt các nước phát triển về tốc độ tăng trưởng. Mới đây, Bộ Phát triển kinh tế Nga đã dự báo GDP của nước này tăng trong năm 2023.

Theo Bộ Phát triển kinh tế Nga, sở dĩ dự báo GDP của Nga tăng trong năm 2023 vì nền kinh tế nước này ngày càng linh hoạt, thích ứng, chịu đựng được áp lực trừng phạt mạnh chưa từng có của phương Tây, với động lực là sự phát triển mạnh của kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng kinh tế Nga thậm chí còn lạc quan hơn trong dự báo hồi tháng 4, cho rằng GDP của nước này dự kiến sẽ tăng 2,8% vào năm 2026.

Trong tuyên bố mới nhất đưa ra ngày 7/6, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định khả năng tự cung tự cấp là chìa khóa cho tăng trưởng của kinh tế Nga trong bối cảnh phải chống đỡ các biện pháp trừng phạt của phương Tây và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, Nga sẽ tập trung ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghệ và tài chính, các tuyến hậu cần tối ưu, cải thiện cơ sở hạ tầng và giải quyết bất bình đẳng và nghèo đói.

Tổng thống Putin nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục giảm tốc vào năm 2023, trong khi GDP của Nga có thể tăng tới 2%.

Trước đó, Cơ quan thống kê Rosstat của Nga hôm 17/5 công bố số liệu cho hay GDP của nước này đã giảm khoảng 1,9% trong quý I. Kinh tế Nga đã giảm 2,1% trong năm 2022.

Cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua 10 vòng trừng phạt Nga về việc mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt đã nhắm vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, cũng như nhiều cá nhân và tổ chức của Nga. 

Theo FT, gần 1.500 người và hơn 200 pháp nhân ở Nga bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản. Những gói trừng phạt đã cấm các luồng thương mại song phương trị giá hơn 148 tỷ USD, bao gồm nhập khẩu năng lượng từ Nga, cũng như xuất khẩu công nghệ, máy móc và hàng điện tử. 

Bên cạnh đó, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), EU và Australia đã áp trần giá 60 USD một thùng với dầu thô Nga, bắt đầu từ ngày 5/12/2022. Mục đích hạn chế nguồn cung tài chính của Moscow cho cuộc chiến tại Ukraine. Các công ty bảo hiểm và vận tải phương Tây bị cấm cung cấp dịch vụ cho dầu và các sản phẩm từ dầu Nga, trừ phi chúng được mua bằng hoặc dưới giá trần.