Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn ngừa ăn chặn quỹ bảo trì chung cư

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những tồn tại suốt trong nhiều năm qua, quỹ bảo trì chung cư luôn là một trong những khởi nguồn khiếu kiện giữa cư dân và các chủ đầu tư. Nhiều người ví von, nó như miếng “mồi ngon” khiến một số phần tử xấu trục lợi​​​​.

Thậm chí, có thời điểm, làn sóng âm thầm xuất hiện từ một số đối tượng tìm đủ mọi cách để lọt vào Ban quản trị hòng “thao túng” vài vụ việc, trong đó có cả vấn đề sử dụng số tiền từ quỹ bảo trì chung cư.

Ngăn ngừa ăn chặn quỹ bảo trì chung cư. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ngăn ngừa ăn chặn quỹ bảo trì chung cư. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong hơn chục năm qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra hàng trăm vụ khiếu kiện tại hàng loạt khu chung cư vì những tranh chấp có liên quan đến quản trị chung cư. Cư dân căng băng rôn, tụ tập đông người gây mất trật tự an ninh…

Minh chứng cho điều này là khi kết thúc thanh tra 18 chủ đầu tư, 17 Ban quản trị tại 24 nhà chung cư có nhiều đơn khiếu nại gay gắt trên địa bàn Hà Nội hồi giữa năm 2021, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt sai phạm.

Cụ thể, qua thanh tra đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang cho Ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì hơn 338,6 tỷ đồng. Đồng thời yêu cầu 7/8 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định, phải chuyển sang tài khoản cho ban quản trị, phải quyết toán số liệu chuyển sang cho Ban quản trị số tiền 251 tỷ đồng; phát hiện ra có 26 hành vi vi phạm hành chính trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư…

Để giải quyết vấn nạn này, cơ quan chức năng đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định sát với thực tiễn. Trong đó có Nghị định 30/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Theo đó, phần kinh phí bảo trì chung cư 2% sẽ gửi vào tài khoản “đóng” do chủ đầu tư mở. Khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư. Nếu chủ đầu tư không có kinh phí bàn giao, sẽ tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản.

Nghị định số 30 còn quy định, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị nhà chung cư, UBND cấp tỉnh, TP có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì cung cấp thông tin về số tài khoản, số tiền trong tài khoản.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, TP, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho UBND cấp tỉnh, TP.

Nghị định cũng quy định thêm những điều khoản chặt chẽ hơn, do đó đã tăng sức mạnh pháp lý để xử lý vấn đề tồn tại trong nhiều năm. Đây được xem như công cụ siết chặt quản lý, tháo gỡ những bất cập liên quan đến việc sử dụng quỹ bảo trì chung cư và chấm dứt các vụ việc bức xúc kéo dài trong việc chủ đầu tư cố tình chây ì trách nhiệm bàn giao quỹ bảo trì.

Trong khoảng một năm qua, những tranh chấp về vấn đề này tạm lắng xuống, bởi ít sự việc bức xúc hơn. Và đặc biệt, cơ quan chức năng căn cứ luật định đã mạnh tay hơn với những trường hợp vi phạm.

Ví như mới đây, UBND TP Hà Nội có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 180 triệu đồng đối với Công ty TNHH An Quý Hưng (Chủ đầu tư khu C, dự án Khu nhà ở Thượng Thanh, phường Thượng Thanh, quận Long Biên) vì đã có hành vi chậm gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng. Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH An Quý Hưng gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đúng quy định.

Rõ ràng, những biện pháp mạnh được thực thi đúng sẽ ngăn chặn các vụ việc nóng, phức tạp dù đã tồn tại dai dẳng. Quỹ bảo trì chung cư sẽ chẳng còn là “miếng mồi ngon” để trục lợi, nó sẽ dần phát huy đúng giá trị, góp một phần tạo dựng cuộc sống ổn định đối với cư dân.