Tuần trước, Indonesia đã giảm thuế đối với dầu cọ thô từ 90 USD/tấn xuống còn 63 USD/tấn, theo Bloomberg. Vài ngày trước đó, nhằm tăng cường sự ủng hộ của người dân trước cuộc bầu cử sắp tới ở hai tiểu bang, Ấn Độ, quốc gia dẫn đầu về tiêu thụ dầu cọ trên thế giới, áp dụng mức thuế 20% đối với tất cả dầu thực vật thô và tinh chế nhập khẩu.
Nhận thức được áp lực giá đối với các nhà sản xuất dầu cọ nội địa, Bộ tài chính Malaysia đang cân nhắc cắt giảm thuế đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực này, theo phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Hai.
Điều này xảy ra khi giá dầu cọ vượt quá 3.000 ringgit (718 USD)/tấn ở hầu hết các khu vực tại Malaysia và ở mức 3.500 ringgit (842)/tấn ở các bang Sabah và Sarawak trên đảo Borneo.
Theo các nhà quan sát ngành, cho đến khi Bộ đề xuất phương án này, các nhà sản xuất Malaysia vẫn sẽ gặp khó khăn.
“Mức thuế mới của Indonesia cùng với việc tăng thuế nhập khẩu dầu ăn của Ấn Độ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong những tháng tới vì họ có khả năng mất một số thị phần vào tay các đối thủ Indonesia” - công ty nghiên cứu PublicInvest Research cho biết vào thứ Sáu (ngày 20/9).
Theo chính phủ, các nhà sản xuất Malaysia đã chứng kiến suy giảm biên lợi nhuận do sự gia tăng các hiện tượng thời tiết bất lợi và tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài đã khiến chi phí sản xuất tăng gần gấp đôi, lên tới 3.000 ringgit (718 USD)/tấn.
Theo số liệu của chính phủ, kim ngạch xuất khẩu dầu cọ và các sản phẩm từ dầu cọ của Malaysia đạt tổng cộng hơn 21 tỷ USD vào năm 2023, tương đương gần 3% tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia.
Từ lâu, nhiều người chỉ trích ngành công nghiệp này là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng hàng loạt, gây ra những tranh chấp thương mại giữa quốc gia Đông Nam Á này và Liên minh châu Âu.
Ong Chee Ting, nhà phân tích của Maybank Investment Banking Group, cho biết: "Chúng tôi cho rằng việc duy trì mức giá dầu cọ thô cao như hiện nay sẽ khiến ngành này khó có thể duy trì đà phát triển trong tương lai. Do vậy, cần phải đẩy mạnh giảm giá để thúc đẩy nhu cầu".
Việc giá dầu cọ thô Malaysia luôn duy trì ở mức cao cùng với đó là sự gia tăng của thuế nhập khẩu dầu thực vật từ Ấn Độ đã khiến các thương nhân quốc gia Nam Á này phải hủy hàng trăm tấn dầu cọ và tìm nguồn thay thế. Theo Reuters, Ấn Độ đã hủy khoảng 100.000 tấn dầu cọ nhập từ Malaysia trong ba tháng cuối năm 2024.
Malaysia đã kêu gọi Ủy ban châu Âu hoãn việc thực hiện quy định về phá rừng của Liên minh châu Âu đến sau ngày 30/12. Nhóm vận động hành lang dầu cọ lập luận luật này, loại trừ các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc từ nạn phá rừng khỏi thị trường châu Âu, đặt ra gánh nặng đối với những người nông dân trồng cọ dầu nhỏ.
Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOC) cho biết quy định này ảnh hưởng tiêu cực đến nền nông nghiệp của các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những người nông dân nhỏ sẽ gặp khó trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mà nhà làm luật đặt ra.
“Để giải quyết những vấn đề này, EU phải gấp rút ban hành các quy định miễn trừ cho những người nông dân nhỏ để hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy đến” - Tổng giám đốc điều hành MPOC Belvinder Sron cho biết trong một tuyên bố vào thứ Năm (ngày 19/9) tuần trước.