Ngành đường sắt Pháp đình công. |
Theo đó, tính tới ngày 3/4, có tới 50% công nhân đường sắt đình công, 77% lái tàu không làm việc, chỉ có 12% lượng tàu cao tốc, 13% các tuyến tàu liên tỉnh hoạt động. Trong khi đó ở Paris, chỉ còn từ 14 - 30% giao thông đường sắt được đảm bảo. Sự việc trên xảy ra khi chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất một dự luật nhằm cải cách mạnh tình trạng hoạt động của hệ thống đường sắt nước này. Trong đó, tập trung vào cải tổ hoạt động của SNCF.
Dự luật của Chính phủ Pháp được đưa ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh thua lỗ triền miên của SNCF. Cải cách của Chính phủ Pháp nhận được sự ủng hộ của người dân Pháp nói chung. Theo một cuộc khảo sát gần đây, 54% người Pháp đồng ý với việc thông qua dự luật cải cách này trước mùa hè năm nay. Giới chuyên gia nhận định rằng, SNCF giờ đây không còn được xem như biểu tượng cho ngành dịch vụ công cộng của Pháp, bởi việc tăng giá vé cao hay các chuyến tàu thường xuyên gặp sự cố… điều này khiến người dân mất niềm tin vào hệ thống này.
Số nợ khổng lồ của SNCF tính đến nay đã là hơn 67 tỷ USD, tương đương 7,6% ngân sách quốc gia Pháp năm 2018, 2% GDP Pháp năm 2017 và tiếp tục tăng lên từng năm, đe dọa tới hoạt động của SNCF nói riêng trong tương lai và nền kinh tế Pháp nói chung.
Các cuộc đình công đã khiến cho giao thông công cộng của Pháp trở nên vô cùng khó khăn. Quan trọng hơn, các cuộc biểu tình liên tiếp này có thể làm chậm lại nhịp độ cải tổ của Chính phủ Pháp trong gần một năm qua. Các nhà quan sát lo ngại, nếu áp lực từ các cuộc biểu tình quá mạnh, Paris có thể sẽ phải chờ cho tình hình lắng xuống mới có thể tiếp tục các cải cách hệ thống trợ cấp thất nghiệp, cải tổ hệ thống lương hưu… và do đó, kéo theo việc chậm trễ thông qua các dự luật như đã đề ra.