Ngành giao thông vận tải năm 2022 có gì nổi bật?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022 chuẩn bị đi qua và ngành giao thông vận tải cũng khép lại một năm đáng nhớ với nhiều thành tựu nổi bật.

Năm 2022, Bộ GTVT tiếp tục là ngọn cờ đầu trong giải ngân đầu tư công.
Năm 2022, Bộ GTVT tiếp tục là ngọn cờ đầu trong giải ngân đầu tư công.

Ngọn cờ đầu trong giải ngân đầu tư công

Tiếp bước thành tích của năm 2021, Bộ GTVT tiếp tục trở thành ngọn cờ đầu cả nước trong công tác giải ngân đầu tư công. Kết thúc năm 2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 53.000 tỷ đồng (tương đương 96% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao).

Như vậy, giải ngân đầu tư công của Bộ GTVT năm 2022 tiếp tục duy trì được mức hơn bình quân chung của cả nước và là một trong những bộ, ngành có kết quả giải ngân vốn ngân sách cao nhất. Đây cũng là khối lượng giải ngân vốn ngân sách cao kỷ lục của ngành GTVT từ trước đến nay.

Năm 2023, Bộ GTVT được giao 94.161 tỷ đồng vốn đầu tư công, lớn nhất từ trước tới nay, gấp 1,7 lần năm 2022. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng song với thành tích ngọn cờ đầu trong công tác giải ngân đầu tư công suốt nhiều năm qua, Bộ GTVT hoàn toàn có thể tin tưởng tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành GTVT với điểm nhấn là dự án thu phí không dừng.
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành GTVT với điểm nhấn là dự án thu phí không dừng.

Đột phá trong chuyển đổi số

Là một trong những cơ quan đầu tiên thực hiện áp dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực trực thuộc, Bộ GTVT đã thu được nhiều “quả ngọt” trong năm 2022. Thành tích nổi bật nhất có thể kể tới chính là việc Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng mạng diện rộng của Bộ GTVT kết nối với mạng dùng riêng của cơ quan Đảng, Nhà nước.

 

Năm 2022 là năm đặc biệt của dự án thu phí không dừng, các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí điện tử không dừng hoàn toàn từ ngày 1/8/2022. Tỷ lệ phương tiện dán thẻ thu phí không dừng cũng đạt mức 92% với hơn 4,2 triệu xe. Sau nhiều năm tắc nghẽn, dự án thu phí không dừng đã “sổ lồng” và băng băng “về đích” một cách ấn tượng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng nền tảng đám mây của Bộ kết nối với nền tảng điện toán đám mây của Chính phủ, duy trì cung cấp 289 dịch vụ công trực tuyến cũng như hình thành 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung của Bộ GTVT.

Bên cạnh chuyển đổi số, Bộ GTVT cũng có những bước tiến quan trọng về cải cách hành chính. Năm 2022, Bộ GTVT đã đơn giản hóa 30 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, 9 thủ tục lĩnh vực hàng hải và 4 thủ tục lĩnh vực đăng kiểm; giảm 1 đầu mối thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ; giảm 1 đầu mối cấp tổng cục, 4 đầu mối cấp vụ, 1 đầu mối cấp cục và không còn phòng trong vụ.

Năm 2022, Bộ GTVT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia, trong đó có quy hoạch mạng lưới đường sắt với điểm nhấn là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Năm 2022, Bộ GTVT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia, trong đó có quy hoạch mạng lưới đường sắt với điểm nhấn là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Kiện toàn thể chế chính sách của ngành

Một điểm nhấn khác không thể không kể tới mà Bộ GTVT làm được trong năm 2022 là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện thể chế, chính sách. Điển hình là Bộ GTVT đã hoàn thành, trình Chính phủ ban hành 8/8 nghị định theo Chương trình công tác của Chính phủ. 

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia (đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa). Riêng Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 25 thông tư theo thẩm quyền.

Đến nay, Bộ GTVT là bộ cơ bản hoàn thành sớm nhất các quy hoạch ngành, được Thủ tướng khen (chỉ còn lại quy hoạch về lĩnh vực hàng không đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, Thường trực Chính phủ đã cho ý kiến).

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông cùng nhiều "siêu dự án" tăng tốc ấn tượng trong năm 2022.
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông cùng nhiều "siêu dự án" tăng tốc ấn tượng trong năm 2022.

Các “siêu dự án” tăng tốc ấn tượng

Với nhiều “siêu dự án” đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất..., 2022 được coi là năm vô cùng bận rộn của Bộ GTVT trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng của Bộ GTVT, trong năm 2022, hầu hết “siêu dự án” đều đảm bảo tiến độ và tăng tốc ấn tượng. 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 – 2020) đã hoàn thành và thông xe ngay trong ngày đầu năm mới 2023.

Cũng cùng thời điểm trên, 12 gói thầu đầu tiên của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 – 2025) sẽ đồng loạt khởi công. Trong khi đó, tiến độ dự án sân bay Long Thành cũng đang được đảm bảo. Còn công trình nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cũng chính thức được khởi công vào ngày 24/12. Những sự kiện trên đã đánh dấu một năm thành công lớn của toàn ngành GTVT trong năm 2022.

Sự phục hồi mạnh mẽ của hàng không là một trong những điểm nhấn đáng chú ý của ngành GTVT trong năm 2022.
Sự phục hồi mạnh mẽ của hàng không là một trong những điểm nhấn đáng chú ý của ngành GTVT trong năm 2022.

Hàng không phục hồi mạnh mẽ

Điểm nhấn đáng chú ý nữa trong năm 2022 của ngành GTVT chính là hàng không. Sau một thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh Covid-19, ngành hàng không đã có sự trở lại ngoạn mục và phục hồi mạnh mẽ. Tất cả đường bay nội địa đều đã được khai thác trở lại; nhiều đường bay quốc tế được nối lại, tạo điều kiện đi lại cho toàn thể người dân trong và ngoài nước cũng như du khách quốc tế.

Trong những ngày cuối năm 2022, ngành hàng không đang tất bật với công tác chuẩn bị cho cao điểm Tết Quý Mão 2023, được dự báo vô cùng bận rộn. Đây tiếp tục là một cơ hội vàng cho hàng không bật dậy sau đại dịch để lấy lại đầy đủ sức mạnh vốn có của mình như 3 năm về trước.

 

Năm 2022, cảng biển Việt Nam trải qua một dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên lọt top thế giới. Cụ thể, theo công bố của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence về chỉ số CPPI (Container Port Performance Index - Chỉ số hoạt động Cảng container), cảng quốc tế Cái Mép của Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container toàn cầu. Cũng trong năm 2022, Việt Nam có 3 cảng container là Cái Mép, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh đứng vào top 100 cảng có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới.