Tinh gọn sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm
Ông Phan Khắc Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phan Vũ đánh giá, bức tranh chung của các công ty sản xuất trong ngành bê tông gặp khá nhiều khó khăn. Giai đoạn 2018 - 2019, các DN phát triển ổn định, nhiều nhà máy mới, tuy nhiên, đoạn 2019 - 2021, các DN gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Từ cuối năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, các DN có bước phục hồi, song do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá nguyên vật liệu tăng cao. Dự báo từ cuối quý III/2022 đến năm 2023, sản xuất, kinh doanh của DN sụt giảm mạnh do dòng tiền lưu chuyển chậm.
Đồng quan điểm, Giám đốc tài chính Công ty CP Xây dựng Module 9 Phạm Tuấn Linh cho biết, nằm trong khó khăn chung của nền kinh tế, Công ty cũng chịu những thiệt hại không nhỏ từ chi phí vận chuyển hay gần đây giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Để có thể vực lại sản xuất, thời gian qua, Công ty đã mở rộng tiêu thụ nội địa, đồng thời đầu tư hiện đại hóa nhà xưởng và máy móc.
Tình hình bán hàng trở nên khả quan vào thời điểm này khi nhu cầu bảo dưỡng, xây nhà ở đã có sự khởi sắc trở lại. "Tuy nhiên, với nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao như giá than nội địa hiện lên tới khoảng 4 triệu đồng/tấn, khiến các DN xi măng điều chỉnh tăng giá 3 lần từ đầu năm nay. Chúng tôi phải điều chỉnh phương án kinh doanh và tìm hướng tối ưu hóa nguồn nguyên liệu, chỉ sản xuất phục vụ các dự án đang triển khai, tránh dư thừa, tồn kho" - ông Phạm Tuấn Linh cho biết.
Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, hiện nay, phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) trong nước đã bắt đầu hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải rắn, phát thải các bon thấp. Với ngành bê tông, có rất nhiều vật liệu công nghệ mới, phương pháp tính toán thiết kế mới như bê tông cường độ cao, siêu tính năng, bê tông xanh, bê tông tái sử dụng, bê tông Hybrid, bê tông in 3D, bê tông tự lèn không gây ồn khi thi công... cần được nghiên cứu áp dụng, đẩy mạnh sản xuất.
Hướng tới bê tông xanh
Lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trong 15 năm qua, ngành VLXD đã phát triển vô cùng mạnh mẽ. Từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, cho đến nay, cơ bản
Việt Nam đã sản xuất được sản phẩm VLXD đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu và chuyển mạnh theo hướng phát triển các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến 2050. Trong đó quan điểm phát triển VLXD hiệu quả bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới, quản lý vật liệu và sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, nhiên liệu, hạn chế ảnh hưởng môi trường là điều quan trọng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Bê tông Việt Nam nhiệm kỳ VI (2022 - 2025) được tổ chức mới đây, TS Lê Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng cho biết, số lượng các tiêu chuẩn về vật liệu và cấu kiện xây dựng hiện nay là 519 tiêu chuẩn (chiếm 62%) và biên soạn mới 718 tiêu chuẩn (chiếm 57%) trong tổng số các tiêu chuẩn Việt Nam về xây dựng. Riêng tiêu chuẩn trong lĩnh vực bê tông, xi măng và các sản phẩm liên quan đến bê tông chiếm số lượng khá lớn, với 76 tiêu chuẩn hiện tại và 272 tiêu chuẩn mới.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết thêm, hiện nay, Bộ đang biên soạn các tiêu chuẩn thiết kế kết cấu và địa kỹ thuật theo định hướng mới, dự kiến sẽ dựa theo nền tảng của các tiêu chuẩn châu Âu Eurocode (EN). Bộ đang tập trung biên soạn các tiêu chuẩn quan trọng đến tháng 5/2024, phương án tiếp cận dựa vào 10 Bộ tiêu chuẩn của Anh quốc từ BS EN 1990 đến BS EN 1999. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng dự kiến cần khoảng thời gian 10 năm để bảo đảm đồng bộ hơn 1.000 tiêu chuẩn Việt Nam theo định hướng mới.
"Trong thời gian tới, ngành công nghiệp xi măng và bê tông sẽ tiếp tục có đóng góp quan trọng cho việc thực hiện cam kết tại COP26 của Việt Nam là giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050."- Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, TS Lê Trung Thành