Theo Reuters, ít nhất 114 người đã thiệt mạng ở Myanmar chỉ tính riêng trong ngày thứ Bảy (27/3). Trong số đó, có 40 người ở Mandalay, 27 người ở Yangon. Đáng chú ý, nhiều trẻ em cũng đã trở thành nạn nhân. Reuters dẫn lời kể của các nhân chứng cho biết, tại Mandalay, có một nạn nhân mới chỉ 5 tuổi và một nạn nhân 13 tuổi. Truyền thông địa phương cho biết thêm, một em bé 1 tuổi đã bị đạn cao su bắn vào mắt. Ước tính, tổng số người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ sau cuộc đảo chính ở Myanmar đến nay đã lên tới hơn 440 người.
27/3 cũng là ngày xảy ra một số cuộc giao tranh căng thẳng giữa quân đội với nhóm vũ trang dân tộc thiểu số Karen. Liên minh Karen trước đó cho biết đã tấn công một đồn quân đội gần biên giới Thái Lan, khiến 10 người thiệt mạng. Ngôi làng do Karen kiểm soát sau đó bị máy bay quân đội không kích đáp trả lúc 20 giờ tối ngày 27/3 (giờ địa phương). Các nhân chứng mô tả dân thường tại đây đã bỏ chạy tán loạn, với ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 8 người khác bị thương. Tuy nhiên, những thông tin này hiện vẫn chưa được chính quyền xác nhận.Cùng ngày, Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing - lãnh đạo quân đội Myanmar - có bài phát biểu trong cuộc duyệt binh mừng 76 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang. Ông Hlaing cam kết bảo vệ người dân, và phấn đấu cho một nền dân chủ. Tướng Hlaing đã bảo vệ cuộc đảo chính và cam kết nhường quyền sau cuộc bầu cử mới. Nhưng ông cũng đưa ra lời đe dọa đối với phong trào chống lại chính quyền quân sự lúc này, cảnh báo rằng “các hành động khủng bố có thể gây hại cho sự bình yên và an ninh của quốc gia” là không thể chấp nhận được.Phản ứng sau ngày cuối tuần đẫm máu, phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Myanmar nói rằng ngày 27/3 “sẽ mãi mãi được khắc ghi là một ngày kinh hoàng”. Trong khi lãnh đạo quân đội Mỹ và 11 người đồng cấp khác dự kiến lên tiếng phản đối tình trạng bạo lực ở Myanmar bằng một tuyên bố chung. Theo Reuters, tuyên bố nhấn mạnh việc quân nhân chuyên nghiệp phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về ứng xử, và phải có trách nhiệm bảo vệ những người mà quân đội phục vụ. Từ đó kêu gọi quân đội Myanmar phải ngừng bạo lực, “khôi phục sự tôn trọng và tín nhiệm đối với người dân Myanmar”. Điều tra viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, Tom Andrews, cho rằng đây là lúc thế giới cần đưa ra hành động - có thể thông qua Hội đồng Bảo an hoặc một hội nghị thượng đỉnh quốc tế khẩn cấp. Ông đề xuất rằng chính quyền quân sự Myanmar nên bị cắt hết các nguồn hỗ trợ, như doanh thu từ dầu khí và cả quyền tiếp cận vũ khí. “Người dân Myanmar đang cần sự hỗ trợ của thế giới. Lời nói giờ là không đủ” - ông Andrews nói hôm 28/3.Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/3 dự báo nền kinh tế Myanmar sẽ sụt giảm 10% trong năm nay. Con số này đảo ngược hoàn toàn so với dự báo hồi tháng 10 năm ngoái của WB, khi nền kinh tế Myanmar hứa hẹn sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 5,9% - một trong những tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực. “Myanmar bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc biểu tình, các cuộc đình công của người lao động, các động thái quân sự, sự gián đoạn các dịch vụ công thiết yếu, bên cạnh sự gián đoạn của dịch vụ ngân hàng, hậu cần và internet” - WB nhận định.