Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng bị triệu tập
Các chuyên gia, cán bộ Cục Quản lý Dược (QLD) cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường được triệu tập ra tòa lần này với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và làm chứng. Nguyên nhân ông Trương Quốc Cường cũng phải hầu tòa vì thời điểm xảy ra vụ án ông giữ chức Cục trưởng Cục QLD.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường (hàng đầu từ phải sang) tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào tháng 10/2017. |
Dự kiến, sáng mai (24/9), TAND TP Hồ Chí Minh đưa vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma (VN Pharma - PV) ra xét xử sơ thẩm lần 2 với 12 bị cáo, gồm: Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VN Pharma); Võ Mạnh Cường (SN 1978, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C); Phạm Quỳnh Trang (nhân viên Công ty H&C); Phạm Anh Kiệt (SN 1963, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn - Sapharco); Nguyễn Trí Nhật (SN 1975), Ngô Anh Quốc (SN 1984) và Phan Xuân Thiện (cả 3 là nguyên Phó Tổng Giám đốc VN Pharma); các bị cáo nguyên là cán bộ VN Pharma, gồm: Phan Cẩm Loan (SN 1973), Lê Thị Vũ Phương (SN 1982), Bùi Ngọc Duy (SN 1986) và Hoàng Trúc Vy; Phạm Văn Thông (SN 1954, dược sĩ).
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, 9 bị cáo bị xét xử về tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tuy nhiên, sau phiên tòa sơ thẩm, vào tháng 9/2017 Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh có quyết định kháng nghị chỉ rõ ngoài việc điều tra các chuyên gia, cần điều tra việc Cục trưởng Cục QLD (thời điểm xảy ra vụ án, ông Trương Quốc Cường giữ chức Cục trưởng) thiếu trách nhiệm khi ký duyệt nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg Caplet. Vì ngoài lô thuốc này bị phát hiện là giả, còn 7 hồ sơ của các loại thuốc khác cũng được Cục trưởng Cục QLD ký công văn cho phép nhập, đây là vi phạm nghiêm trọng.
Quyết định kháng nghị của Viện KSND Cấp cao nhận định: “Có 10 chuyên gia tham gia thẩm định các khâu, nhưng trong biên bản chỉ có 7/10 chuyên gia ký tên, 3 chuyên gia còn lại không ký tên cũng không có ý kiến về lô thuốc. Biên bản thẩm định không thể hiện kết quả thẩm định, có 2 chuyên gia không ký tên. Công ty Austin (Hồng Kông) đã hết hạn hoạt động, nhưng các chuyên gia thẩm định vẫn có 3/4 người ký, 1 người không ký nhưng không có ý kiến. Có nhiều chuyên gia có tên trong biên bản thẩm định không ký tên, không có ý kiến. Sau đó, Cục trưởng Cục QLD vẫn ký công văn cho phép nhập lô thuốc là vi phạm nghiêm trọng. Chính việc làm tắc trách của Cục QLD đã tạo thuận lợi cho các bị cáo phạm tội”.
Chuyển sang tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”
Đến tháng 10/2017, tại phiên tòa phúc thẩm do TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử vụ án “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”, HĐXX đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Sau quá trình điều tra lại theo yêu cầu của tòa án, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt thêm 3 bị can, nâng tổng số lên 12. Đồng thời, chuyển toàn bộ tội danh từ “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức” sang tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” và được Viện KSND Tối cao phê chuẩn.
Viện KSND Tối cao xác định trong vụ án này một số chuyên gia, cán bộ Cục QLD Bộ Y tế đã không làm hết trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ, cấp phép nhập khẩu lô thuốc giả H-Capita 500mg Caplet (9.300 hộp). Do thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan ANĐT đã tách hồ sơ ra một vụ án khác. Vì vậy, cần khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để tiếp tục điều tra trách nhiệm của các chuyên gia Cục QLD liên quan việc thẩm định hồ sơ, cấp phép cho nhập lô thuốc.
Ngoài các chuyên gia nêu trên, Viện KSND Tối cao cũng chỉ ra thêm các cá nhân cần được điều tra: Ông Phạm Đình Chương thuộc Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (người làm thủ tục thông quan lô thuốc), đối tượng Raymumdo Mararac, Collin.
Tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, Văn phòng Luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), nêu quan điểm: “Việc Cơ quan điều tra chuyển đổi tội danh đối với các bị can trong vụ án VN Pharma từ tội “Buôn lậu”, “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức” sang tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh…” theo khoản 4 điều 194 Bộ luật Hình sự số 100, được sửa đổi bổ sung bởi Bộ luật Hình sự số 12/2017, là hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ những bị can này nhập khẩu (mua bán) qua biên giới hợp pháp nhưng hàng họ mua là giả. Với tội danh mới, các bị can bị phạt mức thấp nhất 20 năm tù đến tù chung thân hoặc tử hình”. |
Mới đây ngày 16/9, Thanh tra Chính phủ công bố Thông báo Kết luận Thanh tra (KLTT) việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của VN Pharma.
Từ KLTT, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về xử lý trách nhiệm: Kiểm điểm trách nhiệm Lãnh đạo Bộ Y tế để xảy ra những tồn tại, vi phạm đã nêu tại KLTT này. Đồng thời Thanh tra Chính phủ chuyển KLTT sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận này.
Thanh tra Chính phủ cũng chuyển KLTT đến Cơ quan ANĐT Bộ Công an để có thêm thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến việc VN Pharma nhập khẩu thuốc, bán thuốc H-Capita do Công ty Helix sản xuất và các loại thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất, xử lý theo thẩm quyền.
Dự kiến phiên tòa sơ thẩm lần 2 sẽ kéo dài từ ngày 24/9 đến 30/9.
Sau khi có KTLL, ngày 18/9, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục QLD Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada, theo quy định tại điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. |