Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày thứ 2 xét xử đại án Vinashinlines: Viện kiểm sát đề nghị tuyên y án sơ thẩm

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (18/8), phiên tòa phúc thẩm đối với Giang Kim Đạt (SN 1977) - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) cùng 3 đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản tại Vinashinlines bước sang ngày làm việc thứ 2. Tại phiên tòa này, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo.

Theo đại diện Viện kiểm sát, tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, các bị cáo tiếp tục phản cung nhưng căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, lời khai ban đầu của các bị cáo thì cơ quan công tố có cơ sở xác định, các bị cáo đã tham ô số tiền khoảng 16 triệu USD (khoảng 260,5 tỷ đồng) của Vinashinlines thông qua việc khai thác cho thuê 9 tàu và nhận tiền chênh lệch từ mua 3 tàu theo chỉ đạo của Trần Văn Liêm rồi để ngoài sổ sách kế toán nhằm đút túi riêng. Trong đó, bị cáo Liêm hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng, bị cáo Đạt hưởng lợi 255 tỷ đồng và bị cáo Khương hưởng lợi hơn 1,7 tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
Để che giấu việc nhận tiền phi pháp, các bị cáo đã nhờ Giang Văn Hiển (bố đẻ của Đạt) mở 22 tài khoản ngoại tệ để nhận tiền của các công ty gửi về. Số tiền này sau đó được bị cáo Hiển rút ra để mua bất động sản, mua ô tô…
Đối với bị cáo Liêm, ban đầu kháng cáo kêu oan nhưng sau đó đã thay đổi khi cho rằng mình không giữ vai trò chính trong vụ án, không chỉ đạo Đạt thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, Viện kiểm sát khẳng định, với vai trò là Tổng Giám đốc Vinashinlines, bị cáo là người chịu các trách nhiệm về mặt pháp lý của công ty. Đồng thời, qua lời khai của bị cáo Đạt tại cơ quan điều tra cho thấy vai trò chỉ đạo của Liêm đối với vụ án tham ô này.
Tại cơ quan điều tra, Liêm cũng khai việc chỉ đạo Đạt mở tài khoản để nhận tiền hoa hồng và chênh lệch giá cước cho thuê tàu. Thực tế, Liêm đã nhận 150.000 USD từ Đạt rồi đưa cho Khương 110.000 USD. Bản thân bị cáo Liên còn giữ lại 40.000 USD để sử dụng cá nhân. Vì vậy, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Liêm là đúng người đúng tội.

Đối với bị cáo Đạt, tuy kháng cáo kêu oan nhưng căn cứ vào lời khai, chứng cứ thu thập được có đủ cơ sở khẳng định, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh này đã chiếm đoạt, hưởng lợi từ tiền hoa hồng bán tàu và tiền chênh lệch giá cho thuê 9 tàu. Sau khi chia cho Liêm và Khương, bị cáo Đạt còn chiếm đoạt 255 tỷ đồng. Số tiền này, bị cáo đã thông qua bố đẻ của mình để mua bất động sản, ô tô. Theo đại diện Viện kiểm sát, trong vụ án này, bị cáo Đạt giữ vai trò tích cực và là người chiếm hưởng phần lớn số tiền tham ô.

Tương tự, đối với Trần Văn Khương kháng cáo kêu oan nhưng trên cơ sở lời khai của bị cáo, Viện kiểm sát khẳng định, có đủ cơ sở kết luận bị cáo chiếm hưởng 110.000USD. Đối với Giang Văn Hiển, căn cứ vào lời khai của Đạt cho thấy, bị cáo đã mở 22 tài khoản ngoại tệ để 92 lần nhận tiền bất hợp pháp của các công ty nước ngoài chuyển về. Vì vậy, việc tòa cấp sơ thẩm quy kết bị cáo tội rửa tiền là có căn cứ và không oan sai. Từ những nhận định trên, đại diện Viện kiểm đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo và tuyên y án sơ thẩm.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, sau 5 ngày đưa ra xét xử và nghị án kéo dài, ngày 22/2/2017, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt cùng mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Cùng tội danh trên, bị cáo Trần Văn Khương bị tuyên phạt tù chung thân. Riêng bị cáo Giang Văn Hiển bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Rửa tiền”.

Về số tiền 260,5 tỷ đồng mà Giang Kim Đạt cùng đồng phạm tham ô, cấp sơ thẩm xác định ở thời điểm các bị cáo phạm tội, Vinashinlines thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam nên cần trả lại Vinashin toàn bộ số tiền đó. Còn hiện nay, do Vinashinlines thuộc Vinalines nên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Vinashin cần đối trừ công nợ cho Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam.