Nghệ nhân sáng tạo từ những mảnh thép

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghệ nhân làng nghề Việt Nam Lê Xuân Hùng không chỉ là người sáng tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm từ những mảnh thép, mà ông còn cùng với địa phương giữ lửa cho làng nghề rèn Đa Sỹ.

Cha truyền con nối

Ông Hùng sinh ra và lớn lên ở làng nghề rèn Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Vốn ở làng nghề truyền thống nên ông bén duyên với nghề làm rèn từ năm 15 tuổi. Năm nay ông Hùng 55 tuổi đời với 40 năm tuổi nghề. Đến thời điểm này ông được đánh giá là một trong những nghệ nhân giỏi nhất làng nghề Đa Sỹ, có những mẫu mã, hoa văn khó trên thép mà chỉ ông làm được.

Nghệ nhân làng nghề Việt Nam Lê Xuân Hùng.
Nghệ nhân làng nghề Việt Nam Lê Xuân Hùng.

Nghệ nhân Lê Xuân Hùng chia sẻ: “Tôi học và làm nghề sau 5 năm đã thành thạo nghề rèn và có nhiều sáng tạo mẫu mã mới, chất lượng cao được thị trường biết đến. Nhiều người đã tìm đến tôi đặt hàng. Ngoài dao, cuốc, xẻng, liềm, hái… tôi cũng làm những mặt hàng khó, giá thành cao như: Dao thái thuốc, khắc dấu trên thép, hoa văn in trên thép…

Muốn có sản phẩm chất lượng thì thép đầu vào phải chọn loại tốt. Rèn tạo phôi và tôi ra thành phẩm. Khâu tôi thép thành các sản phẩm rất quan trọng. Vì tôi thép cứng và giòn, sản phẩm dễ bị vỡ. Tôi thép mềm quá thì sản phẩm kém chất lượng, dễ bị mẻ.”

Để có một tay nghề cao, bí quyết của ông Hùng là luôn yêu nghề và ham học hỏi. Dù đã được công nhận Nghệ nhân làng nghề Hà Nội và Nghệ nhân làng nghề Việt Nam, nhưng ông vẫn hàng ngày học hỏi anh chị em làm nghề trong Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ, cũng như các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra, ông còn lên mạng tìm hiểu cách rèn các sản phẩm thép từ những làng nghề khác trên thế giới nhằm nâng cao tay nghề.

Nói về ông Hùng, Chủ tịch Hiệp Hội làng nghề Đa Sỹ Hoàng Quốc Chính, cho biết: “Bố ông Hùng cũng là một nghệ nhân giỏi của làng nghề Đa Sỹ. Ông Hùng ngoài thừa hưởng từ gia đình có truyền thống làm nghề, còn rất yêu nghề và ham học hỏi. Ông luôn tìm tòi làm ra những sản phẩm khó không ai làm được. Sản phẩm của ông được rất nhiều người biết đến đặt hàng. Một số người còn đem ra nước ngoài bán”.

Vì sự phát triển nghề rèn

Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải qua đào tạo thực tế, bắt tay, chỉ việc để truyền nghề. Người học và làm thành thạo nghề để ra mở được cơ sở sản xuất cũng phải mất vài năm. Trong khi đó, kinh tế phát triển, có nhiều ngành nghề khác học nhanh và kiếm ra tiền. Do đó, để giữ lửa cho làng nghề rèn Đa Sỹ, ông Hùng đã cùng các nghệ nhân trong Hiệp hội làng nghề hỗ trợ đào tạo cho con em, cũng như những lao động ở địa phương khác muốn học nghề.

Mặc dù trải qua 2 năm dịch bệnh Covid-19, nhưng ông Hùng vẫn chưa ngày nào phải đóng lò. Những sản phẩm của gia đình ông làm ra chất lượng cao nên được nhiều người lựa chọn sử dụng.
Mặc dù trải qua 2 năm dịch bệnh Covid-19, nhưng ông Hùng vẫn chưa ngày nào phải đóng lò. Những sản phẩm của gia đình ông làm ra chất lượng cao nên được nhiều người lựa chọn sử dụng.

“Dù dịch bệnh kéo dài 2 năm qua, nhưng lò rèn gia đình tôi vẫn đỏ lửa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách. Ngoài phục vụ cho bà con, tôi cũng hỗ trợ đào tạo một số học viên vào học nghề cho đến khi ra mở được cơ sở sản xuất. Chúng tôi không dấu nghề, rất muốn mọi người phát triển được nghề rèn, có việc làm ổn định” - Nghệ nhân Lê Xuân Hùng chia sẻ.

Nói về những đóng góp của ông Hùng với sự phát triển của làng nghề rèn Đa Sỹ, Chủ tịch Hiệp Hội làng nghề Đa Sỹ Hoàng Quốc Chính, cho biết thêm: “Hàng năm, làng nghề chúng tôi được quận hỗ trợ nâng cao tay nghề cho hội viên, chính những nghệ nhân như ông Hùng trực tiếp cùng với Hiệp hội làng nghề ra đào tạo, truyền đạt lại kỹ năng làm nghề rèn.

Ông Hùng cũng như các nghệ nhân của làng đều không giấu nghề, để những hội viên khác nỗ lực giữ nghề và làm nghề, từ đó nâng cao đời sống hộ gia đình. Nhờ vậy, đến nay nhiều người đi làm những ngành nghề khác, nhưng vẫn quay về học nghề tại địa phương và mở lò rèn. Những ai đã muốn làm nghề rèn, các nghệ nhân như ông Hùng đều hỗ trợ từ đầu cho đến khi thành thạo nghề”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần