Nghị định 100/2019/NĐ-CP phát huy hiệu quả: Khi chính sách sát cuộc sống

Nguyên Đào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có không ít văn bản khi ban hành chỉ sau thời gian ngắn phải thu hồi, hoặc có những quy định đã được ban hành nhưng lại chưa đi vào cuộc sống, do kém chất lượng, không sát thực tiễn... Tuy nhiên, một trong những văn bản pháp luật được đánh giá phát huy hiệu quả tức thì trong cuộc sống là Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

 Ảnh minh họa
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra đời, nhanh chóng được triển khai, áp dụng sâu rộng vào cuộc sống. Trong đó, đáng chú ý nhất là các quy định cụ thể đối với từng đối tượng, cụ thể như: Người chưa đủ 18 tuổi không được uống rượu, bia; sử dụng rượu, bia thì không được lái xe; cán bộ, công chức và người lao động không được uống rượu, bia trong giờ làm việc hay quy định khung giờ không được quảng cáo rượu, bia... Đặc biệt là vấn đề tăng nặng mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, áp dụng cho cả người điều khiển xe đạp, xe thô sơ... theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sau hơn 3 tháng đi vào cuộc sống đã mang lại những hiệu quả rõ rệt.
Nếu trước kia, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP chưa ra đời, việc uống rượu, bia gần như không có sự kiểm soát. Các cuộc vui thường kéo dài với sự chúc tụng, kỳ kèo, rồi có sự "khích bác" nhau để uống thêm vài chén rượu, cốc bia. Thậm chí từ cuộc vui bỗng xảy ra hiềm khích "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với nhau cũng từ rượu, bia. Ấy vậy mà, khi Nghị định 100 chính thức có hiệu lực, đến nay, tình trạng nêu trên giảm hẳn. Thời gian của những cuộc vui được rút ngắn lại, những người uống rượu, bia đã tự ý thức được bản thân để không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đại bộ phận người dân, đặc biệt là người điều khiển phương tiện giao thông thay đổi hẳn thói quen sử dụng rượu, bia sau rất nhiều năm khó bỏ. Đó là một trong những hiệu quả của Nghị định 100/2019 mang lại.
Điểm thứ hai, bước đầu tình hình tai nạn giao thông đã được cải thiện rõ nét. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 2 tháng đầu năm (tính đến 14/2), toàn quốc xảy ra hơn 2.300 vụ tai nạn giao thông khiến 1.125 người chết, bị thương 1.780 nạn nhân. So với 2 tháng đầu năm 2019, tai nạn giao thông giảm 454 vụ, số người chết, giảm 231 người, số người bị thương cũng giảm 385 nạn nhân. Có được kết quả đó, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã ra quân thực hiện nghiêm túc các quy định mới của pháp luật. Theo báo cáo, từ ngày 1/1 - 14/2, lực lượng chức năng toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 454.000 trường hợp vi phạm, phạt hành chính gần 400 tỷ đồng. Trong đó, 23.600 tài xế vi phạm lỗi nồng độ cồn, phạt tiền hơn 90 tỷ đồng. Các địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như Đắk Lắk, Tây Ninh, Thanh Hóa, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Các cấp, ngành chức năng đều đánh giá, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã khiến ý thức chấp hành luật giao thông của tài xế tăng lên. Người dân tuân thủ quy tắc "đã uống rượu, bia thì không lái xe" góp phần làm giảm tai nạn giao thông, giảm bớt những hệ lụy không đáng có. Với quan điểm không "nương tay" với tài xế uống rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã đi vào thực tiễn và có tác động sâu sắc đến ý thức của người tham gia giao thông trên cả nước, được dư luận xã hội đồng thuận cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần