Nghị quyết 68-NQ/TW – thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
Kinhtedothi – Sự ra đời của Nghị quyết 68-NQ/TW với việc quy định một loạt chính sách về miễn, giảm thuế, hỗ trợ đất đai; thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… là những hỗ trợ cụ thể và toàn diện cho các DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Tháo gỡ điểm nghẽn, củng cố niềm tin cho DN
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký quyết định ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết số 68) về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đưa ra những quyết sách cụ thể, đột phá cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển. Nghị quyết xác định rõ ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số là hướng đi chiến lược để khu vực tư nhân nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng tiếp cận nguồn vốn. Với một loạt chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân; chính sách về hỗ trợ đất đai; thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nhân lực với mục tiêu triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành… đều là những chính sách rất cụ thể và toàn diện cho các DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển.

Nghị quyết 68 là một chính sách đầu tiên cho DN khởi nghiệp sáng tạo được quy định rất cụ thể, đột phá.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia phía Nam Huỳnh Thanh Vạn đánh giá, Nghị quyết 68 là một chính sách đầu tiên cho DN khởi nghiệp sáng tạo được quy định rất cụ thể, đột phá. “Cộng đồng DN chúng tôi đang cảm thấy có động lực cùng sự tự tin, yên tâm rất lớn để hoạch định tương lai phát triển. Khi được triển khai sớm và hiệu quả, chắc chắn mục tiêu 2 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế đến 2030 sẽ khả thi” – Ông Huỳnh Thanh Vạn bày tỏ.
Theo ông Huỳnh Thanh Vạn, DN Việt Nam hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, khó khăn về nguồn lực, họ rất cần được hỗ trợ về tài chính, đất đai để có thể dành nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Thực tế, nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo do không có đủ nguồn vốn nên đã buộc phải dừng lại, gây lãng phí.
Vì vậy, sự ra đời của Nghị quyết 68 kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, rào cản của DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bấy lâu nay, đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong DN.
Ông Huỳnh Thanh Vạn chỉ ra, Nghị quyết ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; tạo môi trường thuận lợi cho DN tư nhân tham gia nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, y tế thông minh… Nếu không ban hành được sandbox, không những không quản lý được mà còn làm thất thu nguồn thuế của Quốc gia; khiến nguồn lực chảy ra nước ngoài như đã từng xảy ra.
Ngoài ra, điểm đột phá của Nghị quyết còn ở việc cho phép DN được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của DN đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này. DN được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập DN để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển (R&D), đồng thời được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng R&D bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm. Điều này chắc chắn sẽ khuyến khích DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Sớm ban hành kế hoạch hành động, thể chế hóa quan điểm
TS Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển DN, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, thông điệp “song hành xanh – số” tại Nghị quyết 68 khuyến khích các DN tư nhân dẫn dắt đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Việt Nam đặt mục tiêu đưa trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á. Những điểm này không chỉ củng cố niềm tin thị trường mà còn đặt DN tư nhân vào tâm thế là đối tượng được bảo hộ, đồng thời là lực lượng phải dẫn đầu đổi mới.
DN đang rất mong chờ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm có kế hoạch hành động, thể chế hóa quan điểm, định hướng chỉ đạo của Nghị quyết để triển khai nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, để đưa Nghị quyết sớm vào cuộc sống, cần phải có tiêu chí rõ ràng, làm rõ thế nào là đầu tư cho R&D, để DN yên tâm, tự tin lập quỹ mà không phải lo sợ khâu thanh kiểm tra, quyết toán thuế. Mặt khác, cần giao cho từng bộ, ngành, địa phương; lấy đó làm cơ sở để đánh giá cơ quan, đơn vị, cá nhân có hoàn thành nhiệm vụ hay không.
Còn theo ông Huỳnh Thanh Vạn, Nghị quyết nêu rõ Nhà nước sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Muốn vậy, cần làm rõ nguồn lực này mỗi năm là bao nhiêu, kế hoạch cùng mục tiêu cụ thể ra sao, chẳng hạn đến 2030 phải xây dựng được bao nhiêu trung tâm?...
Về phía Quốc hội, tại Kỳ họp lần này sẽ xem xét thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, DN kỳ vọng các quyết sách của Nghị quyết số 68 sẽ kịp thời được thể chế hóa trong Luật. Đặc biệt, là các chính sách về hỗ trợ tài chính, đất đai, đào tạo nhân lực, thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo tại DN…
“Hiện, chúng ta đang sắp xếp bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Các DN đang rất trông chờ công tác này sớm hoàn thành để các địa phương sớm ổn định, kéo theo giấy tờ, thủ tục cũng ổn định, từ đó DN yên tâm đầu tư phát triển” - - Ông Huỳnh Thanh Vạn nhấn mạnh thêm.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, chúng ta cần phải có cơ chế, thể chế để luật hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm giúp khu vực kinh tế tư nhân đầu tư mạnh vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần này phải phản ánh được, thể chế hoá được những tư duy của Đảng vào trong Luật.
Từ đó, khu vực kinh tế tư nhân mới có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động khoa học và mới có thể phát triển nhanh, trở thành các tập đoàn kinh tế lớn ngang tầm các tập đoàn kinh tế trên thế giới.

Sơn La: ứng dụng khoa học công nghệ giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp
Kinhtedothi - Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp, thời gian qua sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao đã được các cấp, các ngành của tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Đẩy mạnh tín dụng cho khoa học công nghệ, hạ tầng chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng
Kinhtedothi- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho đầu tư vào hạ tầng, công nghệ số và các lĩnh vực trọng điểm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Luật đầu tiên khơi thông tiềm năng khoa học công nghệ cho khu vực kinh tế tư nhân
Kinhtedothi - Chiều 6/5, phát biểu thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nội dung Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với nhiều điểm mới, tiến bộ, với các quy định khơi thông tiềm năng cho khu vực kinh tế tư nhân; mở ra cơ hội thu hút nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học...