Ngày 13/7, chuyên gia chính trị cấp cao của Ấn Độ Dalbir Singh - Chủ tịch Đại hội đồng của Hội đồng Nhân dân Á-Âu, nói với hãng tin Tass rằng việc thành lập nghị viện riêng của Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) có thể giúp khối này sớm đạt được các mục tiêu.
“Việc thành lập quốc hội riêng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp BRICS đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa các mục tiêu của nhóm, đó là tăng cường hợp tác và phát triển toàn diện”.
Theo chuyên gia Ấn Độ, sự gắn kết và hợp tác chặt chẽ hơn cũng sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết cũng như sự đồng thuận giữa các thành viên BRICS. Ông Singh tin rằng sự đoàn kết của BRICS sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhóm này thúc đẩy các ý tưởng cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và các định chế tài chính Bretton Woods (Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới).
Cũng có quan điểm tương tự, ông Veneziano Vital do Rego - thành viên Thượng viện Liên bang Brazil cho biết, ý tưởng thành lập nghị viện riêng của BRICS mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, nhưng cơ quan này nếu được thành lập sẽ phát huy hiệu quả trong việc thảo luận về các vấn đề toàn cầu.
Nghị sị Brazil nói với tờ Izvestia của Nga rằng quan hệ hợp tác giữa nghị viện các nước thành viên cùng với việc trao đổi kinh nghiệm là những điểm mạnh của BRICS.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Nghị viện BRICS do St. Petersburg tổ chức từ ngày 11-12/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, trong tương lai, nhóm này có thể thành lập quốc hội của riêng mình.
Tổng thống Putin kêu gọi BRICS thành lập nghị viện riêng để tăng cường ảnh hưởng toàn cầu. “Các thành viên của nhóm BRICS có thể thành lập nghị viện riêng trong tương lai - RT dẫn lời Tổng thống Nga tại Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ 10 ở St. Petersburg, Nga, hôm 11/7.
Người đứng đầu Điện Kremlin lưu ý, số lượng các nước tham gia BRICS đã tăng lên trong năm nay. Nga, với tư cách là chủ tịch hiện tại của nhóm, sẽ tăng cường nỗ lực để đảm bảo rằng các thành viên mới của BRICS được hội nhập hiệu quả sau khi gia nhập hồi đầu năm nay.
BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Từ đầu năm nay, nhóm bắt đầu mở rộng thành viên với Ả Rập Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tham gia.
“Hiện tại, BRICS không có cơ cấu nghị viện được thể chế hóa riêng. Nhưng tôi tin rằng trong tương lai, ý tưởng này chắc chắn sẽ thành hiện thực” - ông Putin nói.
Tổng thống Nga khẳng định, bằng cách cùng nhau hành động, BRICS sẽ có thể phát huy tiềm năng trong hợp tác kinh tế, đầu tư và công nghệ. Ông cũng nhấn mạnh, các sự kiện như Diễn đàn Nghị viện BRICS sẽ tăng cường ảnh hưởng của nhóm đối với các vấn đề toàn cầu, đồng thời giúp “làm cho thế giới an toàn và hài hòa hơn”.
Theo Tổng thống Putin, BRICS đang tăng tốc phát triển các công cụ tài chính đáng tin cậy để tạo thuận lợi trong giao dịch thương mại giữa các nước thành viên.
Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thông báo, các Bộ trưởng Tài chính BRICS đang xem xét khả năng ra mắt hệ thống thanh toán tài chính chung dựa trên blockchain, có thể được sử dụng thay cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT do phương Tây thống trị.
Kể từ khi bị phương Tây loại khỏi hệ thống SWIFT liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga tăng cường giao dịch với các quốc gia BRICS bằng đồng nội tệ.
Xu hướng này ngày càng được các thành viên BRICS ủng hộ khi họ hạn chế tối đa việc sử dụng đồng USD và euro trong thanh toán thương mại. Tỷ trọng tiền tệ quốc gia trong các khoản thanh toán của Moscow với các nước BRICS đã nhảy vọt lên 85% vào cuối năm ngoái, từ mức 26% trong 2 năm trước đó.