Nghịch lý: Người Anh phải chia khẩu phần, người Nga chịu trừng phạt lại no đủ

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những hình ảnh đối lập được tờ DailyMail (Anh) đăng tải mới đây cho thấy thực tế các biện pháp trừng phạt, vốn được ca ngợi nhiều của phương Tây đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, không tạo ra nhiều ảnh hưởng.

Các kệ siêu thị hết hàng ở TP Bristol, phía Tây thủ đô London, Vương Quốc Anh. Nguồn: DailyMail
Các kệ siêu thị hết hàng ở TP Bristol, phía Tây thủ đô London, Vương Quốc Anh. Nguồn: DailyMail

Tờ DailyMail ngày 6/3 đăng tải những bức ảnh được chụp tại một khu ăn uống, hai siêu thị và một cửa hàng ở góc phố ở Perm - TP có dân số tương đương TP Birmingham của Anh, nằm ở vùng núi Ural cách xa thủ đô Moscow của Nga. Tại đó, các kệ hàng luôn đầy ắp thực phẩm tươi sống.

Trong khi đó, cũng theo phản ánh của DailyMail, các siêu thị ở Vương quốc Anh đang ở trong tình trạng phải chia khẩu phần cà chua, dưa chuột, ớt và rau diếp đối với các đơn hàng, khi nông dân nước này phải vật lộn với chi phí năng lượng cao hơn khiến họ không thể sử dụng nhà kính vào mùa Đông để trồng trọt. Các loại quả mềm, bao gồm cả quả mâm xôi, cũng trở nên khan hiếm tại Anh.

Tony Montalbano, Giám đốc của Green Acre Salads ở Roydon, hạt Essex, từng sản xuất được một triệu kg dưa chuột non mỗi năm, nhưng hiện các nhà kính của ông đã bị bỏ trống hoàn toàn kể từ tháng trước, vì không gánh nổi hóa đơn nhiên liệu tăng vọt lên tới 500.000 bảng mỗi tháng. Ông dự báo sản lượng của mình sẽ sụt giảm tới một nửa trong năm nay.

Nguồn cung trứng gà cũng trở nên khan hiếm vì nông dân Anh không đủ khả năng chi trả chi phí giữ ấm cho gà đẻ trong chuồng trại vốn ngốn nhiều năng lượng. Và kết quả là nhiều mặt hàng chủ lực ở Anh đang đắt hơn nhiều so với ở Nga.

Theo các bức ảnh được cư dân địa phương chụp lại và gửi cho DailyMail, đồ ăn ở Perm và nhiều nơi khác ở Nga rất rẻ. Năng lượng chi phí thấp ở một quốc gia giàu khí đốt giúp rau củ có thể được trồng trong nhà kính suốt mùa Đông khắc nghiệt. Nga cũng có thể nhập khẩu số lượng lớn trái cây từ các quốc gia đồng minh, chẳng hạn như Iran, nơi có khí hậu ấm áp hơn. Người Nga cũng không phải lo lắng về việc đổ xăng hoặc dầu diesel cho phương tiện vận tải, đi lại.

Chợ thực phẩm ở thành phố Perm, Nga. Nguồn: DailyMail
Chợ thực phẩm ở thành phố Perm, Nga. Nguồn: DailyMail

Ngoài ra là nhiều lợi thế khác: Thuế thu nhập ở Nga chỉ là 13% đối với những người có thu nhập dưới mức tương đương 163.000 bảng Anh - so với 40 - 45% đối với những người có thu nhập cao hơn ở Anh. Thuế địa phương, hay thuế hội đồng, cũng góp một phần trong chi phí người dân phải trả ở Vương quốc Anh.

Các cư dân ở một tỉnh lẻ như Perm cũng khẳng định rằng các bệnh viện công của Nga "vẫn tuyệt vời", khi việc đăng ký khám chữa bệnh của người dân tại quốc gia này chủ yếu được bảo hiểm cho người lao động chi trả.

Để thấy, một năm kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, người dân Nga bình thường dường như không phải đối mặt với sự thiếu thốn nào trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Như chia sẻ của John, 67 tuổi, sinh ra ở Anh và có vợ là người Nga, nói với DailyMail từ căn hộ của họ ở Perm: "Khủng hoảng gì cơ? Chúng tôi đang sống cuộc sống bình thường bất chấp chiến tranh ở Ukraine. Chúng tôi đang ở Nga, làm việc ở đây và không chịu bất cứ sự trừng phạt nào của phương Tây".

Ông nói thêm: "Điểm mấu chốt là tiền vẫn chảy vào đất nước nhiều hơn là chảy ra ngoài. Nhập khẩu từ châu Âu giảm nhưng trớ trêu thay, sản xuất của Nga lại tăng lên khi nước này trở thành một quốc gia tự cung tự cấp hơn".

Thực tế này diễn ra ngay cả khi tiền lương ở Nga chỉ bằng một phần nhỏ so với ở Anh. Thu nhập trung bình mỗi người tính ra chưa đến 14.000 bảng, so với 33.000 bảng ở Anh - theo số liệu năm 2022 của Văn phòng Thống kê Quốc gia. Anh vẫn là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, trong khi Nga, thậm chí với dân số hơn gấp đôi, đã tụt xuống vị trí thứ 11.

Các phương tiện truyền thông cánh tả của Anh đã cố đổ lỗi cho Brexit về tình trạng khan hàng. Nhưng các chuyên gia nông nghiệp khẳng định với DailyMail rằng đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thời tiết khắc nghiệt ở Tây Ban Nha và Ma-rốc đã gây ra tình trạng mất mùa...

Từ đó, tờ báo của Anh đặt câu hỏi đáng suy ngẫm: Tất cả những điều này khiến chúng ta tự hỏi, ai đang chiến thắng trong cuộc chiến kinh tế này?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần