Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý rau sạch

NGHIÊM HÀ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn (RAT) đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi là dự án khoa học- công nghệ đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi đánh giá đạt ở tất cả các nội dung và được tỉnh phê duyệt vào tháng 12/2017.

Thế nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, mô hình này đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận” khi mà sức tiêu thụ RAT hằng ngày quá ít, không đủ ngày công, chi phí vận chuyển. Và hiện tại, hợp tác xã (HTX) kinh doanh và dịch vụ RAT Sông Trà đã phải tạm dừng hoạt động.

Rau sạch bán như rau thường

Theo ông Nguyễn Du - Phó Giám đốc kinh doanh và dịch vụ RAT Sông Trà, vùng sản xuất rau an toàn tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2014. Khi đó, HTX có 44 xã viên tham gia sản xuất RAT, với diện tích 10,22ha; sản lượng đạt 800 tấn/năm. Từ năm 2016-2017, hoạt động của HTX ổn định, đã xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, đặt cửa hàng bán RAT với sản lượng 2 tạ/ngày, đảm bảo thu nhập cho xã viên.
 Nhà sơ chế rau của HTX kinh doanh và dịch vụ RAT Sông Trà thường xuyên cửa đóng then cài.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, sức tiêu thụ RAT hằng ngày chỉ vào khoảng vài trăm kg, không đủ ngày công, chi phí vận chuyển, nên hiện tại HTX đã tạm dừng hoạt động. Tình trạng này đã làm cho nhiều xã viên bức xúc và phân vân có nên tiếp tục sản xuất theo quy trình rau an toàn quay lại lối canh tác truyền thống.

“Chúng tôi đã rất kỳ vọng vào mô hình này, tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ, chi phí cao hơn, thế nhưng lại không có đầu ra, lượng rau HTX thu mua rất ít. Do đó, nhiều nông dân vẫn phải đưa rau an toàn ra chợ bán chung với các loại rau khác với giá thành ngang ngửa. Người dân chúng tôi thật sự rất nản”, ông Tống Trình, một hộ dân ở thôn 6 bức xúc chia sẻ.

Cần tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng

Nghịch lý đang diễn ra là, thị trường rất cần rau an toàn, nhưng mô hình rau an toàn lại chưa tìm được chỗ đứng.

Chị Huỳnh Thị Kim Hà (ở phường Nghĩa Chánh) chia sẻ: “Tôi thường xuyên tìm mua rau sạch để bảo vệ sức khỏe các thành viên trong gia đình, nhưng hiện nay trên thị trường vẫn còn lẫn lộn thật giả. Do đó, mua nhưng cũng không tin chắc rau có đảm bảo hay không?”.

Ông Phạm Quốc Thanh - Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ rau an tòan Sông Trà thừa nhận: “Đúng là rất khó ở khâu tiêu thụ. Người dân thực sự rất cần rau sạch, nhưng họ vẫn chưa đủ niềm tin đối với rau an toàn, không phân biệt được thế nào là rau an toàn, rau không an toàn”.

Ông Nguyễn Đức Lâm, nguyên xã viên HTX kinh doanh và dịch vụ RAT Sông Trà cho biết: “HTX ngưng hoạt động, rau theo quy trình VietGap bán như rau thường, người tiêu dùng không mặn mà, người trồng thì chán nản. Đây là điều rất đáng tiếc, vì nếu phát triển được, rau an toàn sẽ mang lại lợi nhuận cao ít nhất 20% so với rau sản xuất theo quy trình thông thường”.

Theo ông Lâm, muốn thương hiệu RAT song Trà phát triển được, HTX cần phải thay đổi phương thức hoạt động, có chiến lược rõ ràng, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, cũng như tạo thêm các kênh thông tin tuyên truyền để tạo niềm tin ở người tiêu dùng.

Hiện nay, TP Quảng Ngãi đã đăng ký thực hiện nhân rộng sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018 do Trung ương hỗ trợ, với diện tích 15 ha tại Nghĩa Hà, Tịnh Long, Tịnh Ấn Đông, Tịnh Thiện, Tịnh Châu. Nhưng có lẽ, chỉ khi nào gỡ được nút thắt về lòng tin với cây rau an toàn, việc nhân rộng mô hình mới thực sự khả thi và đáp ứng được mong mỏi của người nông dân lẫn người tiêu dùng.